Nếu xem tội phạm là ung nhọt của xã hội thì những vụ án ấu dâm chính là vết lở loét đến mức khó mà chữa lành. Những ngôn ngữ điện ảnh ấn tượng trong Hope đã thành công truyền tải thông điệp ám ảnh về tội ác này.
Một câu chuyện có thật gây chấn động…
Không quảng bá rầm rộ, không chiêu trò truyền thông, cũng không sở hữu dàn diễn viên quá nổi bật, Hope (Hy Vọng) dùng chính nội lực của cốt truyện những nạn nhân trẻ em bị bạo hành tình dục và sự đồng cảm giữa người với người để đường hoàng nhận lấy danh hiệu Phim điện ảnh hay nhất, Kịch bản hay nhất và Diễn viên phụ xuất sắc nhất tại giải thưởng Rồng Xanh danh giá lần thứ 34 của người Hàn Quốc. Phim gây chấn động công chúng Hàn và thu hút dư luận vì cốt truyện được tái dựng từ một vụ án có thật ở xứ sở Kim Chi.
Dựa trên một vụ án hình sự có thật gây rúng động ở Hàn Quốc năm 2008 (vụ án Nayoung), Hope lột tả diễn biến gây phẫn nộ và quá trình phục hồi sau chấn thương bị lạm dụng tình dục của bé gái 8 tuổi tên So Won.
Câu chuyện bắt đầu vào một buổi sáng ngày mưa, cô bé tên So Won cầm chiếc ô vàng rảo bước đến trường. Nhịp sống tự lập của em sẽ cứ thế tiếp diễn nếu không có một gã đàn ông chặn đường giữa con phố vắng người, đem đến cho em những cơn ác mộng không bao giờ chấm dứt.
Từ chối miêu tả trực tiếp cảnh thủ ác, đạo diễn đã tránh được việc làm tổn thương đến gia đình nạn nhân, nhưng Hope lại rất thành công khi sử dụng ngôn ngữ hình ảnh và những lời thoại đắt giá để khắc sâu sự ám ảnh vào trái tim khán giả. Mưa vẫn rơi rả rích, đối lập với sự bận rộn mưu sinh của cha mẹ, trong một góc nhà hoang, chiếc ô vàng vốn tượng trưng cho niềm hy vọng nằm tĩnh lặng và rách nát.
Theo chân máy quay, tim ta như thắt lại trước những cuốn sách tả tơi, con thú nhồi bông rơi xuống nền đất bẩn, có lẽ cô bé So Won đã dùng hết sức để chống cự, nhưng đáp lại em không phải là sự mủi lòng, mà là niềm hả hê, tàn nhẫn của con thú đội lốt người.
Trong khi người xem còn đang lạc lối trong sự bi thương, nhịp phim đột nhiên được đẩy nhanh tới quá trình níu giữ sinh mạng của So Won. Thủ phạm kia đã xuống tay dã man đến mức nào mà khiến cho một đứa trẻ xinh đẹp trở nên bầm dập, đớn đau đến mức phải cắt cả trực tràng, ruột non và mất một phần thị giác?
Vụt qua hành lang bệnh viện, tiếng bản tin thời sự cho biết, kẻ thủ ác lại chỉ sống cách nhà nạn nhân 1km và từng bị bắt vì tội danh tương tự. Chắc hẳn hắn đã theo dõi So Won không chỉ một hai ngày, và lựa chọn cô bé làm mục tiêu vì lúc nào cũng một mình cô độc.
Phẫn nộ trào lên nhanh chóng nhường chỗ cho sự hối hận, tiếc nuối vô hạn. “Bố ơi, bố không đi làm à? Con biết bố mẹ bận rộn, mà phải bắt người xấu nên đã gọi cho cảnh sát”.
Lời nói ngây thơ của cô bé như từng nhát dao đâm vào lòng cha mẹ. Giá như bố không quá mải mê công việc, mẹ đừng chỉ chăm chăm vào biên lai, hóa đơn mà dành chút thời gian đưa em đi học, cuộc đời em đã rất khác. Giá như mọi người ý thức hơn được sự tồn tại của tên biến thái đã quay lại với cộng đồng, việc đau lòng này đã chẳng xảy ra.
Có lẽ, bàn tay đầy máu, run rẩy của So Won với tới chiếc di động sẽ còn ám ảnh người xem trong một thời gian rất dài.
Vượt qua đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần, điều đầu tiên So Won nhắc đến sau khi tỉnh dậy là phải bắt được kẻ xấu. Trải qua tổn thương, cô gái nhỏ dũng càng không muốn hắn sẽ làm hại tới bạn bè ở trường. Cay đắng thay, dư luận không hiền hòa và bao dung như chúng ta tưởng. Điều lo lắng của người mẹ đã trở thành sự thực.
Sau khi So Won hợp tác với cảnh sát truy bắt tên cầm thú, thay vì nâng niu, bảo vệ quyền riêng tư của nạn nhân, dư luận lại như đám kền kền mò đến tận bệnh viện để chụp hình, phỏng vấn. Trong cơn hoảng loạn, người cha chỉ có thể bế em chạy ngay khỏi những nhà báo vô lương tâm. Chấn thương thể xác chưa kịp lành, em lại phải đối mặt với nỗi sợ: “Bố ơi, con đã làm sai điều gì?”. Điều nực cười là người ta dễ dàng bỏ qua lỗi lầm của kẻ ấu dâm, mà lại chăm chăm vào một cô bé đáng thương 8 tuổi.
Sau khi được cứu chữa, So Won phải mang theo di chứng cả đời về cả tâm lý và thể chất. Đến mức cô bé thậm chí còn sợ hãi cả chính người bố của mình. Cô bé trở nên hoảng loạn mỗi khi bố mình bước đến gần. Bố mẹ em đã vô cùng đau đớn trong quá trình cùng con gái chữa lành những tổn thương nặng nề chỉ xảy ra tích tắc bởi một tên biến thái.
Còn gã đàn ông gây nên tội ác, chỉ với một câu nói “Tôi không nhớ gì cả”, ông ta nhận hình phạt 12 năm tù. Phiên xét xử này khiến cả nước Hàn dậy sóng vì cho rằng bản án quá nhẹ đối với một tội ác tày trời đến thế. Luật pháp trong một số trường hợp không thể bảo vệ con người tuyệt đối, vậy chúng ta phải làm sao để tự bảo vệ mình và những người thân yêu nhất?
Tuy nhiên, cuộc sống là không thôi hy vọng
Hope được trang IMDb chấm 8,2/10 điểm, nhận được tổng cộng 11 giải thưởng chuyên môn ở các liên hoan phim trong lãnh thổ Hàn Quốc và các nước châu Á khác, thu về 2,7 triệu lượt xem trong thời gian công chiếu tại nước nhà và nhận được cơn mưa lời khen từ giới phê bình quốc tế.
Nhà phê bình Christopher Bourne đã viết về bộ phim trên trang Screenanarchy như sau: “Tổ sản xuất đã tận dụng chất liệu hiện thực rùng mình của một vụ án có thật và thẳng thắn nhất có thể, không cần vin vào những thủ thuật tạo cảm xúc thường thấy của nền điện ảnh Hàn Quốc. Vượt lên trên nỗi căm phẫn về tội ác chính là câu chuyện về nỗi đau, sự vực dậy và quan trọng nhất chính là niềm hy vọng. Từng giây phút đều chạm đến đáy lòng con người và khiến bạn không thể nào quên được”.
Hope là nơi nỗi ám ảnh được khơi gợi, được đào sâu rồi lại từng chút, từng chút được lấp lại. Nếu nửa đầu bộ phim khán giả có thể thót tim và kinh hãi trước hình ảnh bé gái tám tuổi đầy máu luôn run rẩy và hoảng loạn, thì nửa sau bộ phim chính trái tim người xem sẽ được sưởi ấm và niềm hy vọng nhen nhóm trong từng thớ cảm xúc của bạn mà hình thành.
Vết thương và tâm hồn của So Won có được chữa lành hay không, chính khán giả mới là người nhận định. Tuy nhiên, trong phân cảnh cảm động nhất của 123 phút xem phim, khi nhìn thấy So Won cất lên câu hỏi “Có phải bố đó không?”, người xem khó mà cầm được nước mắt.
Trong số tất cả những người đàn ông khiến So Won khiếp sợ trên thế giới này, bố của bé là người bị tổn thương nhiều nhất. Giây phút khán giả thật sự phải khóc, thì đó không phải nước mắt vì đau lòng, mà chính là từng giọt hạnh phúc và vui mừng thay cho tình cảm gia đình dần được phục hồi. Ai cũng căm ghét tội phạm ấu dâm, nhưng cái người ta mong muốn nhất chính là nhìn thấy những nạn nhân được phục hồi và lấy lại niềm vui sống.
Hope sẽ cho người xem một cái nhìn cận cảnh về những nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của nạn ấu dâm đang vô cùng nhức nhối hiện nay. Nó là một bộ phim quá ám ảnh đến mức nhiều người không dám xem, nhưng cũng là một tác phẩm đáng nên xem. Bên cạnh đó, ở Hope, người xem còn hiểu được lòng kiên trì của bậc làm cha mẹ cũng như những gắn kết thiêng liêng của tình gia đình.
Một đoạn trong phim Hope khiến mọi người không khỏi xót xa.
Theo saostar / kenh14