Tinh Hoa

Hợp tác để phát triển bền vững

Để Tây Nguyên phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 2162/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tầm nhìn dài hạn

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hình thành được sự liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng một cách toàn diện, đồng bộ. Xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, có thương hiệu và đến năm 2030, du lịch Tây Nguyên trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển, đóng góp tích cực vào xóa đói giảm nghèo của vùng…

Khách du lịch nước ngoài tới tham gia sinh hoạt văn hóa tại gia đình ông Y Pin Bing buôn Akô Dhông, thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk.

Đạt được các mục tiêu trên thực sự là thách thức không nhỏ với du lịch Tây Nguyên, bởi từ nay đến năm 2020 không còn xa, trong khi đó phát triển du lịch vùng Tây Nguyên vẫn chưa có được sự bứt phá mạnh mẽ. Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng, thực tế liên kết phát triển du lịch ở nhiều vùng, địa phương trong những năm qua cho thấy, việc có được đề án liên kết phát triển du lịch chung cho vùng Tây Nguyên là rất quan trọng. Đây là cơ sở để triển khai các nội dung liên kết và hợp tác. Đề án cần được xây dựng trên cơ sở chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch quốc gia; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án cần chỉ ra được (hoặc có kế hoạch nghiên cứu) những sản phẩm du lịch nào, những hoạt động xúc tiến quảng bá nào cần hợp tác đầu tư phát triển; xác định đâu là thương hiệu và các sản phẩm du lịch mang bản sắc của vùng.

Trong khuôn khổ liên kết, hợp tác du lịch giữa vùng Tây Nguyên với các vùng phụ cận cũng cần quan tâm đến “Con đường di sản miền Trung”. Đây là tuyến du lịch hết sức đặc sắc, được nối hầu hết các di sản thế giới của Việt Nam trên một tuyến du lịch thống nhất. Đặc biệt hơn nữa, Tây Nguyên có di sản thế giới “Cồng chiêng Tây Nguyên”, do vậy trong mối liên kết và hợp tác này, “Con đường di sản miền Trung” sẽ được kết nối với “Cồng chiêng Tây Nguyên”, “Con đường xanh Tây Nguyên” để tạo thành một tuyến du lịch văn hóa đặc sắc nhất Việt Nam, có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

Cần có Ban điều phối liên kết

Với tiềm năng sẵn có, việc liên kết giữa các địa phương trong vùng có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, liên kết ở đây không đơn giản chỉ là kết nối các điểm đến mà phải tạo ra sự liên kết toàn diện, ở nhiều cấp độ hình thức và nội dung. Cụ thể là liên kết trong đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực; quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch; xây dựng điểm, tuyến du lịch và thương hiệu điểm đến; xây dựng các sản phẩm; điều tiết và cung ứng các dịch vụ, sản phẩm du lịch; tổ chức quản lý du lịch và xây dựng hành lang pháp lý cho du lịch phát triển…

Mục tiêu đến năm 2020, toàn vùng Tây Nguyên thu hút khoảng 800.000 lượt khách quốc tế, 3,9 triệu lượt khách du lịch nội địa với tổng thu du lịch trên 11.000 tỷ đồng. Đến năm 2030 thu hút khoảng 1,8 triệu lượt khách quốc tế, 6,8 triệu lượt khách du lịch nội địa với tổng thu du lịch đạt trên 26 nghìn tỷ đồng.

Để việc liên kết, hợp tác đạt hiệu quả cao, các chuyên gia cũng cho rằng cần thiết phải thành lập Ban Điều phối liên kết phát triển du lịch vùng để chỉ đạo công tác quản lý, tổ chức, liên kết hợp tác trong phát triển du lịch toàn vùng. Ban điều phối liên kết phát triển du lịch vùng với nhiệm vụ chính là xây dựng và tổ chức các hoạt động liên kết phát triển du lịch của vùng trong từng giai đoạn, thời kỳ phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch của toàn vùng. Điều phối, kết nối các hoạt động du lịch chung của cả vùng, xác định các nội dung, hình thức liên kết hợp tác và định hướng phát triển du lịch chung của cả vùng…

Ngoài ra, để liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng đạt hiệu quả cũng cần phải phát huy vai trò của các doanh nghiệp, tạo sự gắn kết giữa các doanh nghiệp trong việc phối hợp cùng khai thác sản phẩm du lịch. Hoạt động liên kết giữa các tỉnh trong khu vực phải là cầu nối, là diễn đàn để liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho ràng: “Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch trong vùng hợp tác chặt chẽ với nhau trên các lĩnh vực lữ hành, lưu trú, vận chuyển, liên doanh đầu tư các cơ sở vui chơi giải trí đẳng cấp, có tác động lan tỏa nhất định đối với phát triển du lịch vùng, các điểm dừng chân cho du khách… Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức những buổi gặp gỡ giữa các doanh nghiệp du lịch với các cơ quan quản lý, lãnh đạo các địa phương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn và đề xuất giải pháp, nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch toàn vùng”.

Ông Lê Hoàng Cơ, Giám đốc Công ty Du lịch và Thương mại Dam San (Đắk Lắk) cũng đồng tình với quan điểm trên. Ngoài việc quy hoạch đầu tư phát triển du lịch, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường quảng bá, xúc tiến… thì tăng cường liên kết hợp tác là một giải pháp hiệu quả để thu hút du khách đến với Tây Nguyên. “Để làm được điều này, chính quyền và doanh nghiệp phải cùng chung tay giải quyết những khó khăn, vướng mắc thì mới có hiệu quả chiến lược lâu dài”, ông Lê Hoàng Cơ nhấn mạnh.

Theo Báo Tin Tức