Theo AP, ông John Lee, Cục trưởng An ninh của Đặc khu Hồng Kông thông báo rằng, Đảng Quốc gia Hồng Kông bị cấm hoạt động từ ngày 24/9.
Thông báo của ông John Lee không cung cấp thêm chi tiết. Nhưng trước đó, Cục An ninh Hồng Kông đã gửi một lá thư cho ông Andy Chan – Lãnh đạo Đảng Quốc gia Hồng Kông tuyên bố rằng, đảng này sẽ bị giải tán “vì lợi ích an ninh quốc gia hoặc an toàn công cộng, trật tự công cộng hoặc bảo vệ các quyền và tự do của người khác”. AP đã liên hệ yêu cầu ông Andy Chan thông tin về tình huống này nhưng không nhận được câu trả lời.
Cũng theo hãng tin Mỹ, lá thư Cục An ninh gửi ông Andy Chan viện dẫn một luật an ninh quốc gia mà chưa từng được áp dụng kể từ năm 1997, thời điểm hòn đảo Hồng Kông được Anh Quốc trao trả lại cho chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Lệnh cấm Đảng Quốc gia Hồng Kông càng làm dấy lên những câu hỏi về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của chính quyền ĐCSTQ đối với Đặc khu Hồng Kông. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác của chính quyền Trung Quốc Đại Lục đã nhiều lần cảnh báo về việc họ sẽ không khoan nhượng với hoạt động ly khai, đòi tách Hồng Kông khỏi sự kiểm soát của ĐCSTQ.
Việc Bắc Kinh đang phá vỡ lời hứa duy trì quyền bán tự trị và làm xói mòn bầu cử tự do và quyền tự do ngôn luận tại Hồng Kông khiến ngày càng có nhiều các nhà hoạt động trẻ tuổi kêu gọi quyền tự trị lớn hơn, thậm chí là độc lập hoàn toàn.
Cuộc biểu tình vì tự do dân chủ nổi tiếng nhất tại Hồng Kông cho tới nay diễn ra vào năm 2014. ‘Phong trào Dù vàng’ do nhà hoạt động trẻ tuổi Hoàng Chi Phong dẫn dắt gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế, thể hiện khát vọng thoát khỏi sự kiểm soát của chính quyền ĐCSTQ của thế hệ trẻ Hồng Kông.
Lãnh đạo Đảng Quốc gia Andy Chan cũng là một nhà hoạt động trẻ tuổi. Hồi tháng 7/2018, ông đã nói với hãng tin AP rằng, cảnh sát Hồng Kông đã tiếp cận anh với các tài liệu chi tiết về các bài phát biểu và các hoạt động của ông từ khi thành lập đảng năm 2016.
Theo AP, Đảng Quốc gia được thành lập nhằm thể hiện sự thất vọng về cách chế độ Bắc Kinh đối xử với Hồng Kông. Các nhà hoạt động trẻ tuổi của hòn đảo này lên án chính quyền ĐCSTQ ngày càng gia tăng ảnh hưởng lên các cuộc bầu cử dân chủ tại Đặc khu Hồng Kông.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội Hồng Kông năm 2016, Andy Chan và các ứng viên ủng hộ độc lập đã bị tước quyền ứng cử sau khi họ từ chối ký vào cam kết tuyên bố Hồng Kông là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Từ khi thành lập, Đảng Quốc gia Hồng Kông chưa có bất kỳ một ghế nào trong Quốc hội Hồng Kông.
Theo Trithucvn