Hội chợ sách Hồng Kông là điểm đến ưa thích của nhiều người dân, đặc biệt là du khách đến từ Đại Lục. Ở đây họ có thể mua được những cuốn sách bị cấm xuất bản tại Trung Quốc.
Hội chợ sách lớn nhất Châu Á này là một sự kiện diễn ra vào tháng Bảy hàng năm và kéo dài trong vòng một tuần. Chương trình có sự tham gia của 570 đơn vị triển lãm, thu hút hơn một triệu lượt khách tham quan. Đặc biệt, nổi bật tại hội chợ lần này là loạt sách về các vấn đề cải cách chính trị, “Sách Trắng” của Bắc Kinh và phong trào “Chiếm Trung tâm”.
Du khách Trung Quốc xem sách tại gian hàng các sách bị cấm ở Trung Quốc.
Hội sách còn là điểm đến của nhiều du khách Đại lục. Có rất nhiều khách hàng nói tiếng phổ thông tụ tập ở phía trước quầy sách “cấm”. Một số người đứng đọc sách, một số khác lại nhét đầy sách vào va li lớn.
Một cuốn sách bị “cấm” có tựa đề: “Nạn thu hoạch nội tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc” .
Trong những chủ đề thu hút sự quan tâm của người dân Đại lục có cả cuộc đấu đá nội bộ tại Trung Nam Hải. Ngoài ra còn có loạt sách về sự sụp đổ của Chu Vĩnh Khang được xuất bản bởi Tuần báo Tân Kỷ Nguyên (New Epoch Weekly). Cuốn sách viết về nạn mổ cắp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc cũng là một chủ đề nóng được nhiều người quan tâm. Nhiều du khách Đại lục đã tranh thủ chụp ảnh nhiều cuốn sách bằng điện thoại di động của mình.
Một du khách đến từ Đại Lục cho biết, những thông tin mà người dân nhận được từ Cục Tuyên Truyền bị ảnh hưởng nặng bởi Truyền hình Trung ương Trung Quốc (Cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ) và vì thế nó không chính xác. Cô đã yêu cầu người bán hàng bọc cuốn sách trong một tờ báo để cô có thể vượt qua biên giới một cách thuận lợi.
Một du khách đến từ thành phố Thâm Quyến tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cho biết, từ lâu họ đã lên kế hoạch cho chuyến đi này. Khi được hỏi tại sao, ông mỉm cười và nói: “Anh biết mà”. Vợ ông nói thêm rằng bà đang tìm kiếm các tài liệu văn chương không bị kiểm duyệt, chẳng hạn như cuốn sách “Quý tộc cuối cùng” của Chương Di Hòa và nhiều sách khác.
Cô Đặng, một du khách đến từ Đại lục cho biết, cô đã mua một số cuốn lịch sử được in tại Đài Loan cho một người bạn của cô là chủ sở hữu một tờ báo ở quê nhà.
“Chúng tôi có quyền được biết sự thật lịch sử. Việc đánh giá tài liệu nào đáng tin cậy là tùy thuộc vào độc giả, không phải do Chính phủ quyết định”- cô Đặng nói.
Theo Vietdaikynguyen