Ngày 29/7, 4 sinh viên Hồng Kông đã bị cảnh sát bắt giữ vì vi phạm điều luật, trong đó có một cựu sinh viên lãnh đạo phong trào đòi lại quyền độc lập cho Hồng Kông.
Tổ chức sinh viên địa phương đã đăng tải lên trang Facebook cho biết, lực lượng cảnh sát đã bắt giữ Tony Chung, 19 tuổi, tại nhà riêng của anh ở quận Yuen Long và thu giữ nhiều đồ vật dụng cá nhân của anh. Tony Chung trước đây từng là người quản lý và triệu tập tổ chức.
Theo Fleco Mo – một ủy viên hội đồng quận tại khu Wang Yat của quận Yuen Long, nam sinh viên hiện đang bị giam giữ tại đồn cảnh sát Ma On Shan, và đã thu xếp được các luật sư ủng hộ dân chủ tình nguyện đứng ra bào chữa cho anh.
Trong cuộc họp báo đêm vào ngày 29/7, cảnh sát xác nhận đã bắt giữ 4 đối tượng, gồm 3 nam và 1 nữ độ tuổi từ 16 đến 21, cho rằng họ có dính líu đến một tổ chức mới thành lập, nhằm tuyên truyền việc giành lại độc lập cho Hồng Kông trên mạng xã hội.
Đây là vụ bắt giữ đầu tiên được thực hiện bởi một đơn vị cảnh sát, dưới quy định được thi hành của luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông – điều luật hình sự hóa các hành vi như như ly khai, đảo chính, khủng bố và thông đồng, với án phạt nặng nhất là tù chung thân.
Ngày 30/6, tổ chức sinh viên địa phương đã giải thể tại Hồng Kông, trước thềm triển khai luật an ninh quốc gia. Giới phê bình lo ngại rằng, điều luật do chính quyền Trung Quốc tự tay ban hành cho phép họ can thiệp sâu vào việc kiểm soát đặc khu.
Trước đó vào ngày 1/7, cảnh sát cũng đã thực hiện 10 vụ bắt giữ các cá nhân phản đối luật an ninh quốc gia. Do cảnh sát từ chối tiết lộ danh tính và thông tin về những người bị bắt giữ, nên không rõ liệu Tony Chung có trong số đó hay không.
Tổng giám đốc cảnh sát cấp cao Li Kwai-wah phát biểu tại một cuộc họp báo rằng: Ngày 29/7, 4 đối tượng sinh viên, học sinh kể trên bị bắt giữ vào khoảng 3 giờ 30 phút chiều, sau khi đăng tải “những thông điệp mờ ám” ủng hộ ly khai, và gây kích động các hành vi đòi quyền tự trị. Cảnh sát đã thu giữ điện thoại, máy tính, và các hồ sơ của 4 đối tượng.
Ông Li cảnh báo mọi người về bài đăng trên mạng của 4 đối tượng học sinh, sinh viên: “Đừng nghĩ rằng chúng ta sẽ không phải chịu trách nhiệm trước những việc làm trên mạng xã hội”. Khi được phóng viên hỏi việc tìm kiếm các nội dung ủng hộ quyền tự trị có hợp pháp hay không, ông Li cho hay: “Tôi không nghĩ nó phạm pháp”.
Khi được hỏi liệu có sở an ninh Trung Quốc nào được thành lập, nhằm củng cố điều luật hay không, ông Li cho biết việc bắt giữ hoàn toàn đến từ lực lượng cảnh sát cơ quan an ninh quốc gia.
Vị tổng giám đốc cảnh sát cấp cao khẳng định, cảnh sát không cần chứng minh một cá nhân nào đó có hành vi vi phạm, bởi vì bản thân hành vi tuyên truyền việc Hồng Kông ly khai khỏi Trung Quốc Đại lục, đã bị coi là vi phạm điều khoản của luật an ninh quốc gia.
Tony Chung đã từng bày tỏ lo ngại về việc bị cảnh sát theo dõi. 2 ngày trước khi bị bắt giữ, anh đã đăng tải lên tài khoản Instagram của mình hình ảnh của một người đàn ông mặc áo đen – người mà anh nghi ngờ là một sĩ quan mặc thường phục. Tony cho biết, người đàn ông này đã theo anh ta từ Yuen Long đến Vượng Giác.
Nam sinh viên cũng nhấn mạnh rằng sau khi bị chụp ảnh, người đàn ông này đã rời đi.
Nhà hoạt động Sunny Cheung – một sinh viên tại Hồng Kông nhận định, vụ bắt giữ Tony Chung là một chiến thuật có chủ ý để chính quyền Trung Quốc trấn áp những nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ít tiếng nói hơn.
Nam sinh viên chia sẻ trong một tweet kêu gọi tình đoàn kết giữa người dân Hồng Kông: “Không ai là ngoại lệ trước cuộc thanh trừng bắt buộc này cả”. Anh cho biết thêm, việc “luôn để mắt tới kẻ thù là giải pháp duy nhất để sống sót”.
Theo lời Cheung, 2 cựu thành viên khác của tổ chức sinh viên địa phương cũng đã bị bắt giữ vào ngày 29/7.
Luke de Pulford – thành viên Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ Anh nhận định, các vụ bắt giữ là “một phép thử dành cho dư luận quốc tế”.
Ông chia sẻ trên Twitter: “Chính quyền Trung Quốc sẽ tập trung để mắt đến phản ứng của công chúng tại các quốc gia dân chủ. Nếu công chúng phản ứng chưa đủ gay gắt thì mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn nữa”.
Tính đến tháng 6/2020, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ hơn 9.200 đối tượng có liên quan đến phong trào ủng hộ dân chủ, và phản đối việc chính quyền Bắc Kinh can thiệp vào các vấn đề của vùng đặc khu.
Trong tuyên bố ngày 29/7 cảnh sát cho biết, Hồng Kông đã truy tố gần 2.000 đối tượng. Khoảng 40% đối tượng bị bắt giữ là sinh viên, học sinh.
Việt Anh (Theo Epoch Times)