Hãng xe Honda danh tiếng của Nhật đang chuẩn bị chinh phục bầu trời với chiếc HondaJet trị giá 4,9 triệu USD. Chiếc máy bay tư nhân giá rẻ của hãng đã sẵn sàng ra mắt thị trường trong năm 2018 sau hai thập kỷ thường xuyên bị trì hoãn.
Dây chuyền lắp ráp HondaJet của Honda tại Greensboro, Bắc Carolina, đang dần đạt tới công suất tối đa khi có thể lắp ráp 8 chiếc máy bay mỗi tháng.
Sản xuất máy bay tư nhân có vẻ nằm ngoài chiến lược cốt lõi của Honda nhưng thử thách tham gia một thị trường cạnh tranh bằng một sản phẩm mới đầy sáng tạo là điều mà hãng cơ khí Nhật thường xuyên thực hiện. Cho tới nay, HondaJet dường như hội tụ đủ những tố chất cổ điển của Honda để gây ấn tượng với cộng đồng hàng không nói chung.
HondaJet có hiệu quả khí động học tốt, tốc độ cao (gần 800 km/h), cấu trúc động cơ mới và mức giá tương đối thấp. Trên thị trường, HondaJet là mẫu máy bay tư nhân rẻ thứ hai, chỉ sau chiếc Cirrus Vision Jet.
Vì thế với nhiều người nó là một lựa chọn hợp lý để vận chuyển 6 hoặc 7 người mà không cần tới các hãng hàng không thương mại. Hơn nữa, sự nhanh nhẹn và kích thước nhỏ gọn của nó khiến chuyến bay của hành khách trở nên dễ dàng, thú vị hơn.
Để hiểu rõ hơn về cách Honda chế tạo chiếc máy bay này, chúng ta hãy cùng khám phá nhà máy Greensboro qua loạt ảnh dưới đây:
Mỗi chiếc HondaJet được trang bị hai động cơ HF-120 do chính Honda thiết kế và sản xuất với sự hỗ trợ từ GE. Tự sản xuất động cơ giúp Honda thoải mái có những sự sáng tạo, đột phá. Công ty này đã tìm mọi cách để giảm tối thiểu tiêu thụ nhiên liệu cũng như tiếng ồn, mỗi động cơ có thể tạo ra lực đẩy 2.000 pound (tương đương 907 kg).
Chúng có thể giúp chiếc HondaJet với trọng lượng tương đối nhẹ đạt vận tốc 680 km/h ở độ cao 13.000 km hoặc 772 km/h ở độ cao 9 km. Nhà máy Greensboro rộng 538 mét vuông bao gồm một trụ sở, trung tâm R&D, trung tâm dịch vụ khách hàng và những dây chuyền lắp ráp máy bay.
Dây chuyền lắp ráp bắt đầu từ thân máy bay bằng sợi carbon. Một nhà thầu ở Nam Carolina chịu trách nhiệm sản xuất thân máy bay cho Honda và giao nó tới đây bằng xe tải. Sợi carbon giúp giảm trọng lượng, cải thiện sức mạnh và cho phép tạo hình mũi, thân máy bay tối ưu khí động học.
Hơn nữa, sợi carbon cũng cần ít những ốc vít gây nhiễu loạn hơn và có thể được đúc chính xác, rẻ hơn so với nhôm. Và vật liệu này còn giúp giảm các mối nối ở thân máy bay giúp tạo ra không gian nội thất rộng rãi hơn.
Cánh của HondaJet được tạo ra từ một miếng nhôm nguyên khối với da tổng hợp nhằm giảm số lượng ốc vít. Sau khi gắn cánh và động cơ, các kỹ thuật viên bắt đầu lắp hệ thống dây điện và thiết bị điện tử cũng như các phần cứng điều khiển bay bao gồm khung buồng lái và các màn hình điều khiển.
Khi mỗi chiếc máy bay gần hoàn thành, kỹ thuật viên sẽ gắn những phần còn lại như cửa, hệ thống điện tử điều khiển buồng lái và chuẩn bị để sơn máy bay và lắp đặt nội thất trong cabin, bao gồm ghế, nhà vệ sinh, thảm và tủ.
Nội thất của HondaJet chẳng kém gì những chiếc máy bay tư nhân đắt tiền với những chiếc bàn có thể trượt nhẹ vào ngăn và những chiếc ghế có thể thay đổi vị trí trên giá đỡ đa trục. Trong khi bay, khoang hành khách đủ yên tĩnh để khách trò chuyện bình thường.
Các cửa sổ có thể điều khiển để làm mờ đi bằng một nút bấm và nhiệt độ, ánh sách và hệ thống âm thanh trong khoang hành khách đều có thể điều chỉnh qua ứng dụng trên smartphone. Kết nối WiFi cũng sẵn sàng cho hành khách.
FlightSafety International, cơ quan cung cấp chứng chỉ phi công cho các hãng sản xuất máy bay trên toàn thế giới, có một cơ sở đầy đủ trình mô phỏng và giảng viên trong khuôn viên nhà máy sản xuất máy bay của Honda. Các phi công bắt đầu được huấn luyện trên lớp và trải qua hai loại mô phỏng trước khi tập lái với trình mô phỏng hoàn chỉnh.
Nhìn từ bên ngoài, HondaJet có hai sự đổi mới đáng chú ý. Thứ nhất, động cơ của nó được đặt trên các giá treo phía trên cánh thay vì gắn vào thân máy bay. Điều này giảm sức kéo và tăng không gian của khoang hành khách. Nó cũng giúp giảm tiếng ồn và độ rung bởi chúng sẽ được phân tán qua cánh chứ không phải hướng thẳng vào khoang hành khách.
Và để tăng hiệu quả khí động học, các nhà thiết kế của Honda đã giảm độ cao của mũi xuống một chút và tạo ra bề mặt cánh hoàn toàn phẳng. Ngay cả những chiếc đinh tán cũng được làm lún xuống so với bề mặt.
Theo TTT