Sống cô lập và tách biệt với thế giới bên ngoài trên đảo Bắc Sentinel ở Ấn Độ Dương, cư dân của bộ tộc nơi đây sẵn sàng tấn công và giết bất cứ ai có ý định tiếp cận hòn đảo này. Rất nhiều người đã bỏ mạng khi thử tiếp cận, thậm chí chính phủ Ấn Độ cũng từ bỏ việc liên hệ với họ.
Xã hội ở đây có vẻ như không tiến hóa hơn xã hội ở thời kỳ đồ đá là mấy. Họ đã bảo vệ nền văn hóa của mình từ đời này sang đời khác nhưng chắc chắn nền văn hóa này sẽ nhanh chóng biến mất nếu tiếp xúc với nền văn minh hiện đại.
Hồi thế kỉ 19, có một số con thuyền bị sóng đánh xô vào các tảng đá trên hòn đảo này và vỡ tan. Đoàn thủy thủ cố gắng bơi vào bãi biển nhưng thổ dân trên đảo đã tấn công họ tới tấp bằng cung tên.
Lần khác, vào năm 1897, một nhóm cảnh sát đã đặt chân tới hòn đảo này để truy tìm một tù nhân bỏ trốn. Sau đó, họ đã tìm thấy tên tù vượt ngục ở rừng trong tình trạng bị cắt cổ và người găm đầy mũi tên. Nhóm cảnh sát vội vàng cao chạy xa bay.
Đảo Bắc Sentinel chỉ rộng 72 km2 với không quá 400 người sinh sống. Tháng 8/1981, một con tàu mang tên “The Primrose” đã cập bờ hòn đảo. Và không ngoài dự đoán, dân bản địa đã phản ứng rất mạnh mẽ khi có người lạ xâm nhập.
Họ đã ném lao và bắn tên vào thủy thủ đoàn nhưng rất may là không ai bị thương. Thủy thủ đoàn sau đó được sơ tán bằng trực thăng.
Các nhà khoa học cố gắng hết sức để thiết lập mối quan hệ hòa hảo với các cư dân trên đảo một vài lần. Họ đã mang quà tới kèm theo những nụ cười cầu thị và những cái gật đầu rối rít nhằm cầu thân.
Tuy nhiên, thái độ của dân đảo đối với các nhà khoa học này cũng chẳng khá hơn là mấy. Nếu không tỏ ra thờ ơ, khinh bỉ thì họ sẽ lại chĩa mũi giáo về những người xa lạ đến từ thế giới bên ngoài kia.
Năm 1991, một nhà khoa học Ấn Độ đã gặt hái thành công đột phá khi thu hút được sự chú ý của thổ dân trên đảo. Họ dường như bị hấp dẫn bởi một số… xô nhựa màu đỏ.
Sau vài năm, họ đã thu thập hết số xô nhựa đỏ được bỏ lại bên bờ biển nhưng vẫn từ chối tương tác và không bao giờ tiếp cận với các nhà khoa học.
Sau khi nghe những tiếng la hét của thổ dân nơi đây, các nhà nhân chủng học xác định người dân đảo Sentinel sử dụng một loại ngôn ngữ rất khác với những ngôn ngữ được sử dụng trên quần đảo Andaman.
Từ đó, các nhà khoa học đã đi tới kết luận rằng những cư dân trên hòn đảo này đã sống cô lập ở đây hàng nghìn năm rồi.
Trên thực tế, hòn đảo này là một phần của Ấn Độ, nhưng chính phủ Ấn Độ không có ý định can thiệp vào đời sống của cư dân đảo Sentinel. Họ có thể sống theo cách mà họ muốn.
Thậm chí, bây giờ chính phủ còn cấm không cho khách du lịch đặt chân lên đảo. Có rất nhiều lí do hợp lí để ban hành lệnh cấm đó. Thứ nhất, tính mạng của những người đặt chân lên đảo bị đe dọa (năm 2006, dân đảo đã giết 2 ngư dân xấu số tạt vào trú chân do biển động).
Lí do thứ hai là những thổ dân ở đây không có miễn dịch với những dịch bệnh đến từ bên ngoài. Có nghĩa là, thậm chí cảm lạnh thường tình cũng có thể cướp đi tính mạng của cư dân đảo.
Mặc dù những thổ dân này hoàn toàn không quan tâm tới thế giới bên ngoài nhưng những con người ở thế giới hiện đại lại không ngừng tò mò về họ.
Không biết sống trong thế giới nhỏ bé đó sẽ như nào? Họ nghĩ gì về thế giới bên ngoài? Đó vẫn còn đang là những câu hỏi không lời đáp.
Trên hòn đảo này, dường như thời gian như ngưng đọng ở một mốc thời gian rất xa trong quá khứ. Không thể tưởng tượng được giữa thế kỉ 21 lại có người không biết đến internet hay bom nguyên tử.
Họ chỉ biết duy trì nền văn hóa mà ở đó thần linh tồn tại trong mỗi hòn đá, mỗi lùm cây. Đó quả thực là một câu chuyện hấp dẫn trí tò mò của con người hiện đại.
Theo Soha