Tinh Hoa

Hơn 800 ngàn người Hồng Kông tuần hành chiều 8/12, hô vang “Đấu tranh cho tự do”

Chiều Chủ nhật (8/12), hàng trăm ngàn người Hồng Kông đã tham gia cuộc tuần hành quy mô lớn từ công viên Victoria tới khu trung tâm. Đám đông hô vang “Đấu tranh cho tự do, đứng về phía Hồng Kông”, “Đuổi đi Trung Cộng, trả lại Hồng Kông”, kêu gọi Trưởng Đặc khu Carrie Lam đáp ứng năm yêu cầu của dân chúng.

Hàng nghìn người dân tham gia cuộc tập trung ủng hộ dân chủ di chuyển từ Công viên Victoria tới Road Chater vào ngày 8/12/2019. (Ảnh: Epoch Times)

Theo Reuters, hàng nghìn người dân cả già lẫn trẻ đã tập trung tại Công viên Victoria, điểm bắt đầu của buổi tuần hành hôm 8/12, sau đó đoàn biểu tình sẽ di chuyển về Vịnh Causeway, trước khi tới Chater Road gần khu trung tâm của Hồng Kông.

Các nhà chức trách Đặc khu đã “bật đèn xanh” cho Mặt trận Nhân quyền Dân sự (CHRF) – nhà tổ chức của các cuộc tuần hành hòa bình hàng triệu người trong tháng Sáu – tiếp tục tổ chức buổi tập trung Chủ Nhật (8/12). Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 18/8, CHRF được chính quyền Đặc khu cấp phép tổ chức biểu tình.

“Cuộc tuần hành này là cơ hội lớn nhất để người Hồng Kông thể hiện với cộng đồng quốc tế sự kiên quyết đối với dân chủ và chống lại bạo lực của cảnh sát, sau cuộc bầu cử Hội đồng quận và Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông được thông qua”, Hong Kong Free Press (HKFP) dẫn lời từ CHRF.

Ông Jimmy Sham, người đại diện của Mặt trận Nhân quyền Dân sự, nói rằng “Đây là cơ hội cuối cùng được người dân trao cho bà Carrie Lam”.

Người biểu tình giơ năm ngón tay biểu thị năm yêu cầu, mang khẩu hiệu kêu gọi dân chủ, vẫy cờ Mỹ, Anh, Nhật… Đám đông hô vang “Đấu tranh cho tự do, đứng về phía Hồng Kông”, “Năm yêu cầu, không thể thiếu một”, “Đuổi đi Trung Cộng, trả lại Hồng Kông”.

Trong một tuyên bố phát đi hôm thứ Bảy (7/12), chính quyền Đặc khu đã kêu gọi người dân bình tĩnh và cho biết họ đã “học được bài học và sẽ khiêm tốn lắng nghe và chấp nhận phê bình”.

Tân cảnh sát trưởng Hồng Kông Chris Tang nói rằng lực lượng do ông lãnh đạo sẽ thực hiện cách tiếp cận linh hoạt đối với các cuộc biểu tình, sử dụng “cả cách tiếp cận cứng rắn và mềm dẻo”.

Cảnh sát cho biết vào sáng Chủ Nhật 8/12 (giờ địa phương), họ đã bắt giữ 11 người, từ 20 tới 63 tuổi và tịch thu các loại vũ khí bao gồm dao quân sự, pháo, 105 viên đạn và một khẩu súng bán tự động. 

Một người dân tên là June, 40 tuổi, tham gia cuộc tuần hành nói với Reuters: “Tôi sẽ đấu tranh vì tự do cho đến khi chết vì tôi là người Hồng Kông. Hôm nay là để sát cánh với Hồng Kông và cộng đồng quốc tế”.

Người dân Hồng Kông tuần hành chiều 8/12. (Ảnh: HKFP).

Sakura, 27 tuổi, đến từ Nhật Bản: “Đây không chỉ là vấn đề của Hồng Kông. Đây là một vấn đề mang tính quốc tế. Hôm nay là Hồng Kông, ngày mai là Nhật Bản. Đó là lý do tại sao tôi đến đây từ Nhật Bản để ủng hộ cuộc biểu tình hôm nay. Tôi muốn bảo vệ Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông vì chúng tôi có kết nối gần gũi với nhau. Do đó, tôi cảm thấy giống như người Hồng Kông và ủng hộ Hồng Kông”.

Kay, sinh viên 20 tuổi: “Tôi nghĩ số người tham gia biểu tình sẽ vượt qua 2 triệu người (tham gia biểu tình hồi tháng Sáu) vì [lần này] nhiều người bạn của tôi sẽ lần đầu tiên tham gia biểu tình. Cảnh sát càng đàn áp mạnh mẽ, người biểu tình sẽ càng phản kháng mạnh mẽ hơn. Cảnh sát chỉ là quân cờ do chính quyền sử dụng, điều quan trọng hơn là quyền phổ thông đầu phiếu”.

Roita, 60 tuổi: “Ở vào độ tuổi của chúng tôi, chúng tôi đã được chứng kiến vụ thảm sát Thiên An Môn. Vào thời điểm đó, chúng tôi đã không đủ mạnh mẽ để chiến đấu vì những người trẻ tuổi đó, đó là lý do tại sao chúng tôi bước ra hôm nay. Tôi muốn Hồng Kông dân chủ hơn, nhiều tự do hơn và hòa bình hơn. Tôi không muốn kiếm nhiều tiền hơn… tôi  muốn nhiều tự do hơn”.

Chan, 22 tuổi, vẫy cờ Tây Tạng: “Tôi muốn thể hiện rằng Hồng Kông cũng ủng hộ Tây Tạng, rằng tất cả chúng tôi đều là nạn nhân của Đảng Cộng sản Trung Quốc… Chúng ta có thể thấy lịch sử Tây Tạng đang lặp lại ở đây.

Dưới đây là một số hình ảnh của cuộc tuần hành hôm 8/12:

Gia Hưng (T/h)