Sau khi công bố nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến hơn 600 cột điện ở khu vực miền Trung gãy đổ dù bão không quá mạnh, người dân vẫn chưa biết ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm. Và hơn 600 cột điện bắt buộc phải thay kia thì ai sẽ phải trả chi phí? Liệu có bổ sung vào giá điện, vào túi tiền người dân không?
Ngày 3/10, Pháp luật và bạn đọc dẫn nguồn tin từ Bộ Xây dựng cho biết, ngày 25/9 vừa qua, Bộ đã tổ chức cuộc họp với đại diện các bên liên quan đến sự cố hơn 600 cột điện ở miền Trung bị gãy đổ do bão số 5 (riêng Thừa Thiên – Huế có đến 272 cột điện bị gãy).
Theo đó, đại diện các đơn vị, chuyên gia cho biết, tình trạng gãy đổ các cột điện bê tông cốt thép (BTCT), trong đó có cả các cột điện BTCT ly tâm dự ứng lực được sản xuất trong thời gian gần đây có 2 nguyên nhân cơ bản, cụ thể:
– Nguyên nhân khách quan: Do số lượng cột điện BTCT là rất lớn, có nhiều nguồn gốc khác nhau, được xây dựng bởi nhiều chủ thể trong nhiều giai đoạn và do các tác động bất lợi như cây đổ, sạt lở đất.
– Nguyên nhân chủ quan: Do việc thiết kế, sản xuất, thi công lắp dựng, bảo trì còn những tồn tại, chưa đáp ứng quy định; thiếu tính toán, kiểm tra khả năng chịu lực cột điện BTCT theo quy định của tiêu chuẩn thiết kế kết cấu hiện hành.
‘Cột dự ứng lực hiện nay là loại ‘cột giòn’ khác với ‘cột dẻo’, thợ điện leo lên còn ngại’
Trao đổi với Dân trí trước đó, ông Hà Thanh Long, Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên – Huế khẳng định EVN đã có một bộ quy chuẩn về thiết kế cột điện tại các vùng và ở Huế, những cột bị gãy ngang trong bão là loại cột dự ứng lực được dùng từ năm 2016 song song với cột ly tâm dùng trước đó.
Cũng theo ông Long, loại cột dự ứng lực này sau khi sản xuất xong thì được kiểm nghiệm gắt gao, đóng nhãn mác rồi đưa ra thị trường tuy nhiên loại cột này gọi “nôm na là ‘cột giòn’, khác với loại ‘cột dẻo’ là cột ly tâm truyền thống được sản xuất trước 2016 với giá thành cao hơn, sắt dày hơn”…
Vậy nên, người thợ điện khi leo lên cột điện sửa có tâm lý chung là ngại với cột dự ứng lực, nếu có chuyện gì nó sẽ gãy ngang với thời gian tích tắc. Hiện đơn vị “đã nhiều lần có ý kiến lên cấp trên về các loại cột này, hy vọng sau cơn bão này sẽ có một sự nhìn nhận khác để sản xuất cột hợp lý”.
Trong khi đó, EVNCPC – thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, nguyên nhân vụ việc là do ảnh hưởng của bão khiến cây xanh bật gốc ngã vào cột tạo nên lực tác động kép bất thường (gió bão, cây đổ vào đường dây) làm quá khả năng chịu đựng của kết cấu cột, xà sứ, dây… dẫn đến hư hỏng kết cấu hạ tầng lưới điện và gãy trụ.
Ngoài ra, một số vị trí nằm ngoài khu dân cư có gió giật mạnh làm xoáy và đứt các dây néo cũng là nguyên nhân làm gãy đổ cột.
Cột điện không chỉ đổ do bão
Ở một diễn biến khác, không liên quan đến cơn bão số 5 nhưng 2 cột điện trên đường Hoàng Dư Khương, quận 10, TP.HCM mới đây cũng đã gãy đổ do xe container chạy trên con đường này bị vướng vào đường dây truyền dẫn điện.
Theo Vnexpress, sự việc xảy ra vào sáng 2/10, thời điểm này, xe ô tô biển số Bình Dương kéo thùng container 40 feet chạy từ đường Cao Thắng hướng về trung tâm thành phố, đến giao lộ Hoàng Dư Khương và hẻm số 24 đã bị vướng đầu vào bó cáp viễn thông cùng dây trung thế 22kV.
Theo đó, 2 trụ điện trên đoạn đường này (một cao, một thấp trên dưới 15m) đã bị lực căng dây kéo gãy cách gốc chừng 20cm, một tiếng nổ phát ra từ hai biến áp dạng treo trên đầu cột. Đầu xe bị hai cột điện cùng biến áp đè lên gây móp méo, hư hỏng, may mắn là tài xế không bị thương…
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo số liệu của EVNCPC, do ảnh hưởng từ bão số 5 mà 616 cột điện ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã bị gãy, đổ và nghiêng.
Liên quan đến việc trên, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đây là điều chưa từng xảy ra trong vòng 10 năm qua tuy nhiên, về quản lý Nhà nước thì Bộ Xây dựng chính là đơn vị phụ trách…
Bộ Công Thương chỉ là đơn vị quản lý Nhà nước trong lĩnh vực về điện cùng với chủ sở hữu của Tập đoàn EVN là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Trước thông tin này, cây bút Bích Diệp của báo Dân trí đã nhận định rằng, sau tất cả những văn bản và đối thoại, trả của các đơn vị liên quan, người dân vẫn chưa biết ai đứng ra chịu trách nhiệm. “Có điều, dù trách nhiệm có thuộc về ai thì 600 cột kia cũng sẽ phải thay, và thay như thế nào? Chi phí có bổ vào giá điện, vào túi tiền người dân không?
Mùa mưa bão vẫn còn. Rồi bão năm này hết lại sang năm khác. Rủi như cột điện lại đổ, gây thiệt hại chẳng những về của mà còn về người nữa, thì sẽ ra sao? Không lẽ lúc đó chịu trách nhiệm lại là Ông Trời?”
Vũ Tuấn (t/h)