Trong số 48 loại thuốc điều trị ung thư đã được phê duyệt trong giai đoạn 2009 – 2013, 57% loại sau khi được sử dụng cho thấy không có hiệu quả trong việc duy trì sự sống cho bệnh nhân, theo nghiên cứu của BMJ.
Hầu hết các loại thuốc ung thư xuất hiện trên thị trường gần đây đều không làm tăng thời gian sống sót hay cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, các nhà nghiên cứu cho biết.
Trong khoảng thời gian từ năm 2009-2013, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu đã phê duyệt 48 loại thuốc ung thư dùng để điều trị trong 68 trường hợp khác nhau.
Tuy nhiên, nghiên cứu lâm sàng cho thấy khi áp dụng các liệu pháp chữa trị này lại không giúp tăng giời gian sống trong gần ⅔ ca bệnh.
Chỉ 10% số thuốc được sử dụng có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Huseyin Naci, phó giáo sư về giải pháp y tế tại Trường Kinh tế London, đồng tác giả của nghiên cứu trên cho hay: “Chúng tôi muốn biết khi các loại thuốc này được đưa vào thực tế, liệu chúng có khả năng cải thiện hoặc kéo dài thời gian sống hay không?”
Nhóm nghiên cứu nhận thấy, sau một thời gian theo dõi từ 3 đến 8 năm, 49% số người sử dụng thuốc không có dấu hiệu rõ ràng trong việc cải thiện tỷ lệ sống sót và chất lượng cuộc sống.
Naci nói: “Điều làm chúng tôi ngạc nhiên nhất là, không có nhiều nghiên cứu coi chất lượng và thời gian sống sót của bệnh nhân là mục tiêu chính”. Thay vào đó, hầu hết những nghiên cứu này đều khảo sát các biện pháp gián tiếp như chụp X-quang hoặc các xét nghiệm – những biện pháp được cho là cung cấp thông tin về lợi ích của thuốc.
Ông nói thêm: “Điều được mong đợi là khi các loại thuốc được đưa ra thị trường, các công ty sẽ khảo sát giai đoạn thử nghiệm lâu hơn để có thể chứng minh hiệu quả duy trì sự sống. Nhưng không may, những thử nghiệm này không mấy được coi trọng”.
Tuy nhiên, Naci nói: ”Điều quan trọng nhất là đừng lo sợ”.
Carl Heneghan, giáo sư y học thực chứng tại Đại học Oxford, mô tả việc thiếu hụt thuốc duy trì thời gian sống là một tình huống đáng thất vọng, và ông kêu gọi các nhà chức trách cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn các thuốc chống ung thư. “Thật khó hiểu vì sao một nửa số thuốc chống ung thư không mang lại lợi ích lâm sàng lại được chấp nhận ngay trong lần kiểm duyệt đầu tiên”, ông nói.
Tuy nhiên, Winette van der Graaf, giáo sư về ung thư học tại Học viện nghiên cứu ung thư ở Anh, cho biết việc đưa ra quyết định dựa trên các nghiên cứu nhỏ hơn ngoài hiệu quả duy trì sự sống cũng rất quan trọng. Nó là cơ sở để đảm bảo cho việc cung cấp các phương pháp trị liệu mới nhất đến bệnh nhân một cách nhanh chóng.
“Trong nghiên cứu về bệnh ung thư hiếm gặp, việc thu thập số liệu sẽ gặp khá nhiều khó khăn, điều đó có nghĩa là những bệnh nhân này sẽ khó có thể tiếp cận với các phương pháp trị liệu mới”. Bà còn nói thêm rằng các khảo sát trực tiếp về khả năng sống sót còn tiêu tốn khá nhiều thời gian và tiền của.
“Đúng ra, những nghiên cứu nên đánh giá sớm tỷ lệ thất bại của phương pháp trị liệu, để các cơ quan y tế có thể đưa ra những quyết định đúng đắn”.
Emma Greenwood, giám đốc Tổ chức Nghiên cứu ung thư Anh, cảnh báo rằng nghiên cứu này không nhất thiết phản ánh tình hình ở Anh, nơi Viện Y tế và Chăm sóc Sức khoẻ Quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định loại thuốc nào được dùng cho bệnh nhân.
“Nghiên cứu này làm nổi bật tầm quan trọng của việc sử dụng các thông tin lấy từ thử nghiệm lâm sàng, để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về việc các loại thuốc hoạt động như thế nào trong thực tế. Chúng tôi đã bắt đầu thấy điều này qua quỹ thuốc ung thư ở Anh, nơi bệnh nhân có thể tiếp cận các loại thuốc có triển vọng mới, sau đó hiệu quả điều trị sẽ được ghi nhận lại”.
Theo TG