Phát ngôn viên của “Tổ chức luật sư nhân quyền ủng hộ Pháp Luân Công” (Đài Loan) công bố rằng, cho đến tháng 12/2017 đã có hơn 2,6 triệu người trên toàn thế giới ủng hộ việc đưa cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân ra công lý.
Trong ngày quốc tế nhân quyền 10/12, bà Chu Uyển Kỳ, phát ngôn viên của “Tổ chức luật sư nhân quyền ủng hộ Pháp Luân Công” đã công bố số liệu thống kê mới nhất của “phong trào toàn cầu khởi kiện khởi kiện Giang Trạch Dân” với thời báo Epoch Times. Theo số liệu công bố, cho đến ngày 08/12 trên toàn thế giới đã có hơn 2,6 triệu người ủng hộ việc khởi kiện cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân.
Năm 2015, hơn 200.000 người tu luyện Pháp Luân Công tại Trung Quốc và người nhà đã đệ đơn lên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Trung Quốc, Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc, khởi kiện thủ phạm bức hại Pháp Luân Công Giang Trạch Dân. Sau đó, làn sóng ủng hộ người dân Trung Quốc khởi kiện Giang Trạch Dân lan rộng ra toàn cầu.
Đài Loan cấm “tội phạm nhân quyền Trung Quốc” nhập cảnh
Cũng trong ngày 10/12, Thời báo Tự Do (Đài Loan) cũng đưa tin cho biết, chính phủ Đài Loan gần đây đã ra biện pháp, cấm “tội phạm nhân quyền Trung Quốc” nhập cảnh vào Đài Loan. “Tội phạm” ở đây chính là chỉ những người bức hại Pháp Luân Công.
Bài viết cho biết, Cục xuất nhập cảnh Đài Loan gần đây đã từ chối ít nhất là 3 người Trung Quốc bức hại Pháp Luân Công đến Đài Loan, và “đoàn giao lưu chuyên nghiệp của họ” cũng không được nhập cảnh. Chính phủ Đài Loan kiên quyết bảo vệ những giá trị nhân quyền.
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc
Tháng 07/1999, ĐCSTQ dưới sự chỉ đạo của Giang Trạch Dân đã khởi xướng chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công nhằm mục tiêu loại bỏ môn tu luyện này khỏi Trung Quốc. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, cuộc đàn áp bao gồm một chiến dịch tuyên truyền nhiều mặt, một chương trình cưỡng bức chuyển hóa tư tưởng và cải tạo giáo dục, và một loạt những biện pháp cưỡng chế ngoài vòng pháp luật như bắt giữ, cưỡng bức lao động, tra tấn thể xác.
Năm 1999, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân thành lập một cơ quan ngoài hiến pháp có tên là “Phòng 610” nhằm thực hiện chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công. Chính quyền Trung Quốc đã huy động bộ máy truyền thông nhà nước, tư pháp, cảnh sát, quân đội, hệ thống giáo dục, “gia đình” và nơi làm việc để chống lại những người tu luyện Pháp Luân Công.
(*) Sử dụng gia đình chống lại người tu luyện Pháp Luân Công là sử dụng người thân của người tu luyện Pháp Luân Công gây áp lực lên họ, buộc họ phải từ bỏ tín ngưỡng của mình, gần tương tự như “đấu tố” trong Cải cách ruộng đất, nhưng dưới một hình thức khác.
Chiến dịch này được thúc đẩy bằng việc tuyên truyền rộng rãi thông qua truyền hình, báo chí, đài phát thanh và Internet. Có những báo cáo về việc tra tấn có hệ thống, cầm tù bất hợp pháp, lao động cưỡng bức, “thu hoạch nội tạng” và các biện pháp lăng mạ tâm thần, với mục đích rõ ràng là ép buộc các học viên phải từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã kéo dài 18 năm và hiện vẫn đang diễn ra ở Trung Quốc.
Lê Hiếu