Vụ việc bác sĩ gốc Việt David Dao bị hãng United Airlines ép rời khỏi máy bay bằng bạo lực đang thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới. Chỉ trong ngày 11/4, hơn 100.000 người đã ký vào đơn thỉnh nguyện trực tuyến đề nghị Nhà Trắng điều tra sự việc này.
Hành khách David Dao, một người châu Á gốc Việt đã bị an ninh sân bay kéo lê ra khỏi ghế để nhường chỗ cho 4 thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay bị bán vé vượt quá số hành khách.
Vụ việc sau khi được đăng tải lên mạng xã hội đã thu thu hút nhiều người xem và gây phẫn nộ trên toàn cầu. Nhiều người đã chỉ trích kịch liệt và yêu cầu tẩy chay hãng hàng không United Airlines.
Chỉ trong ngày 11/4, hơn 100.000 người đã ký vào đơn thỉnh nguyện trực tuyến trên trang web whitehouse.gov của Nhà Trắng để đề nghị chính phủ Mỹ vào cuộc điều tra. Đơn thỉnh nguyện viết: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ liên bang mở một cuộc điều tra sự việc này”.
Cùng với đó, hơn 37.000 người đã ký tên trực tuyến, đòi CEO của United Airlines từ chức. Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, vụ việc đã thu hút sự chú ý của hơn 480 triệu người.
Hệ thống kiến nghị trực tuyến này được đưa ra dưới thời Tổng thống Barrack Obama và được chính quyền Tổng thống Trump giữ lại. Theo quy định, bất kỳ đơn thỉnh cầu nào trên trang kiến nghị này thu được ít nhất 100.000 chữ ký trong vòng 30 ngày sẽ được Nhà Trắng xem xét và phản hồi.
Theo trang tin Washington Post, đơn thỉnh cầu này thu hút số lượng chữ ký nhiều như vậy có thể là do một hành khách cùng chuyến bay đã nói rằng Bác sĩ David Dao là người Trung Quốc trước khi bị nhân viên an ninh bắt phải rời khỏi chỗ ngồi trên chuyến bay từ Chicago đến Louisville để nhường chỗ cho nhân viên của hãng United Airlines.
Các cư dân mạng Trung Quốc đã lên tiếng phản đối dữ dội, và nhiều người gọi đó là một hành động kỳ thị với người Trung Quốc, kêu gọi người dân nước này tẩy chay hãng hàng không United Airlines. Đây là hãng hàng không đang cung cấp nhiều chuyến bay thẳng nhất đến Trung Quốc – một thị trường quốc tế chủ chốt của United Airlines.
Về phía chính phủ Mỹ, trong một cuộc phỏng vấn hôm 12/4 với tờ Wall Street Journal, Tổng thống Trump cho biết vụ việc xảy ra với bác sỹ David Đào thật là “khủng khiếp”. Ông Trump nói rằng các hãng hàng không cần nâng mức bồi thường cho hành khách để họ tự nguyện nhường lại vé. “Các mức chi này lẽ ra phải cao hơn. Nếu chỉ tùy tiện nói ‘Ông sẽ phải rời khỏi máy bay’, điều đó thật là kinh khủng”, tổng thống nói thêm.
Vụ việc xảy ra hôm 9/4 trên chuyến bay mang số hiệu 3411 của hãng hàng không United Airlines tại sân bay quốc tế Chicago O’Hare. Video đăng tải trên các diễn đàn và mạng xã hội cho thấy, một nam hành khách bị các nhân viên an ninh lôi đi xềnh xệch sau khi ông từ chối đổi vé để nhường lại ghế cho phi hành đoàn dự bị.
Hành khách này được xác định là bác sĩ nội khoa gốc Việt David Dao, 69 tuổi, người đang phải nằm viện điều trị vết thương sau vụ bị hành xử thô bạo trên chuyến bay. Ông David Dao đã sinh sống ở Kentucky khoảng 20 năm qua và hiện có một phòng khám tư tại đây.
Theo thông tin ban đầu, ông Dao là 1 trong 4 hành khách được đề nghị đổi vé sang chuyến bay khác để nhường chỗ cho phi hành đoàn dự bị. Tuy nhiên, ông Dao không chấp nhận đề nghị này và sau đó bị các nhân viên an ninh lôi đi một cách thô bạo bất chấp sự kháng cự và la hét của ông.
Mặc dù lãnh đạo của United Airlines đã lên tiếng xin lỗi nhưng cho đến nay những nỗ lực về truyền thông của hãng dường như không xoa dịu được những lời chỉ trích ngầm.
Cùng với đơn thỉnh cầu điều tra vụ việc tại United Airlines, một đơn thỉnh cầu khác liên quan đến Trung Quốc trên hệ thống kiến nghị trực tuyến của Nhà Trắng cũng đang thu hút sự quan tâm. Đó là đơn thỉnh nguyện kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump tác động tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chấm dứt nạn mổ cắp nội tạng các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác tại Trung Quốc.
Theo nội dung đơn thỉnh cầu này, cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân đã không chỉ bắt đầu một cuộc bức hại tàn bạo đối với Pháp Luân Công vào năm 1999, mà còn thực thi việc thu hoạch nội tạng của nhóm những người tu luyện môn khí công ôn hòa này. Người soạn đơn thỉnh cầu cho rằng đây là một thực tế không thể chấp nhận trong thế kỷ 21, và thế giới văn minh cần phải đứng lên chống lại những hành động tàn ác này và yêu cầu chấm dứt một trong những hành động vi phạm nhân quyền lớn nhất trong thời đại này.
TinhHoa tổng hợp