Cụ người Nam Định, lên Hà Nội học trung học rồi sang Pháp du học, rồi người vợ đầm níu chân, rồi qua cuộc thế chiến, và hoàn cảnh đất nước làm cho cụ không có đường về….
Lần đầu tiên trên chuyến bay của hãng KLM bay tới Amsterdam là khi Kim Chi mới ngoài 20 tuổi, được giao việc phiên dịch cho phái đoàn đi công tác. Chưa từng đi chuyến bay đường dài đến thế, chưa từng thấy ‘tư bản giãy chết’ như vậy, nên sau hai tuần làm việc rồi khi lên máy bay về nước, Kim Chi vẫn còn tràn đầy cảm giác lạ lẫm về một thế giới rất khác với những điều được học ở Hà Nội, lặng lẽ suy nghĩ và nhìn ra cửa sổ để chào nhé Hà Lan – không biết có bao giờ gặp lại!
Bỗng một giọng khẽ khàng làm mình giật mình quay sang nhìn người vừa xếp xong cái túi lên khoang rồi ngồi vào ghế bên – ‘Thưa cô, cô người Việt ạ?’ Ông cụ có gương mặt hiền từ nhìn mình như có ý xin lỗi vì làm phiền, nhưng trong ánh mắt cụ sáng lên bởi niềm vui như trẻ nhỏ đã đoán trúng điều gì đó: ‘Thưa cô, tôi thấy trong tay cô có cuốn sách!’.
Cụ đang trên đường đi thăm người bạn học nghe tin đang ốm nặng. Cụ là kỹ sư cầu đường, tốt nghiệp ở Paris rồi đi làm ở miền Nam nước Pháp mãi đến khi hưu trí mới trở lại sống ở Paris cũng đã được hơn chục năm để gần các con các cháu. Cụ bà đã mất nên giờ có một mình cụ đi đây đó thăm bạn bè.
‘Chúng tôi thương nhau lắm, coi nhau như anh em, mà chúng tôi đều phải đi xa lắm mới có việc làm, có vài anh phải qua bên Phi châu, vợ con bên đó giờ ở đó luôn’.
Mình thích thú nghe chuyện của cụ, còn cảm thấy thích thú hơn vì cụ có giọng nói ân cần, vừa trầm ấm, vừa cổ kính như cụ mới bước ra từ trang sách Thạch Lam. Cụ nói với vẻ trang trọng như phải cẩn thận từng lời từng chữ, rồi mỗi câu cụ đều bắt đầu bằng hai chữ ‘thưa cô’!
Cụ người Nam Định, lên Hà Nội học trung học rồi sang Pháp du học, rồi người vợ đầm níu chân, rồi qua cuộc thế chiến, và hoàn cảnh đất nước làm cho cụ không có đường về. Thân sinh đã mất, họ hàng thân thuộc cũng chẳng biết còn ai, cụ có người em trai di cư vào Nam rồi di tản qua Mỹ, nay anh em thi thoảng gặp nhau, chứ từ đó đã hơn 50 năm, cụ chưa về lại Việt Nam.
‘Thưa cô tôi hỏi khí không phải, cô người Hà Nội ạ?’
‘Vâng ạ’
‘Thưa cô, vậy ở Hà Nội thì nhà ta ở đâu ạ?’
‘Nhà cháu ở phố Hàng Ngang ạ’.
‘Thưa cô ở Hàng Ngang ạ? Hồi đi học tôi vẫn đi qua đó, ấy là những lúc có dịp lên bờ hồ’.
‘Hồi đi học ngày nào cháu cũng đi dọc đường bờ hồ ạ’.
‘Thưa cô, tôi mà có dịp lên đó cũng chỉ để vãng cảnh, và nhìn người ta từ xa thôi, chứ chúng bạn toàn anh em trọ học với nhau cả, làm sao mà chúng tôi dám quen ai ở đó ạ’.
Sau đó, cụ hỏi nhiều lắm với vẻ chăm chú đặc biệt và cụ nghe mình nói với vẻ thanh thản. Hết chuyện này đến chuyện khác, cụ Tính cứ khẽ khàng hỏi và mình cũng cứ rì rầm câu chuyện với cụ. Cứ thế mà bấy nhiêu giờ bay trôi qua, chưa bao giờ mình thấy thời gian trôi nhanh như thế. Đến lúc máy bay đáp xuống Dubai – mỗi người đều có chuyến bay kế tiếp – kẻ về Hà Nội, người đi châu Phi – cụ cầm tay mình bịn rịn:
‘Thưa cô, thời trẻ tôi chỉ ao ước có dịp được một lần tiếp chuyện để được nghe giọng nói của người con gái Hà Nội, chưa có dịp nào thì tôi sang Pháp. Tôi đâu có ngờ hôm nay tôi được toại nguyện. Quý hóa quá lại là người ‘cành vàng ở phố Hàng Ngang’. Giờ tôi không còn điều gì phải tiếc nuối, đúng là ông giời có mắt đấy thưa cô’.
Mình xúc động quá, không biết nói gì vào lúc ấy, cũng nắm chặt tay bác để chia tay. Mà những người trong đoàn từ các hàng ghế khác trên máy bay đang đứng lên lấy hành lý đã bắt đầu hướng ánh mắt về phía ‘đồng chí’ này hình như đang nói chuyện với Việt kiều – khi ấy là điều cấm, nên mình vội nói ‘cháu chào bác ạ!’ rồi rảo bước nhập vào dòng người.
Tới giờ đã 40 năm mà mình vẫn nhớ như in gương mặt và giọng nói của cụ Tính.
Đăng lại từ faceboook Kim Chi