Thông báo cắt đứt quan hệ với Viện Khổng Tử của Hội đồng Giáo dục Toronto khẳng định, có bằng chứng không thể chối cãi về việc Bắc Kinh gây ảnh hưởng thông qua các Viện Khổng Tử, ví dụ như hạn chế tự do ngôn luận lên những giáo viên người Trung Quốc.
South China Morning Post ngày 30/10 đưa tin, sau những áp lực của phụ huynh biểu tình phản đối ảnh hưởng của chính phủ Bắc Kinh vào các trường học ở Canada, Hội đồng Giáo dục Toronto giám sát các trường công lập với 232 ngàn học sinh đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với Viện Khổng Tử do chính phủ Trung Quốc tài trợ.
Động thái này có khả năng kích thích Bắc Kinh trước khi Thủ tướng Canada Stephen Harper sang Trung Quốc dự diễn đàn APEC tuần tới. Đây là vụ hủy quan hệ với các Viện Khổng Tử do Bắc Kinh tài trợ tiếp theo sau các trường đại học ở Canada và Hoa Kỳ. Lý do là lo ngại tự do học thuật bị hạn chế và chính phủ Trung Quốc có thể giám sát các sinh viên của họ ở nước ngoài qua Viện Khổng Tử cũng như các mục tiêu chính trị khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Rõ ràng sự hợp tác này không phù hợp với Hội đồng Giáo dục Toronto và cộng đồng, sự tiếp tục hợp tác là không thích hợp”, Hội đồng này cho biết trước khi bỏ phiếu quyết định. Thông báo của Hội đồng Giáo dục Toronto khẳng định, có bằng chứng không thể chối cãi về việc Bắc Kinh gây ảnh hưởng thông qua các Viện Khổng Tử, ví dụ như hạn chế tự do ngôn luận trong những giáo viên người Trung Quốc.
Việc hủy bỏ hợp tác có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Ottawa và Bắc Kinh. Văn phòng Thủ tướng Canada và đại sứ quán Trung Quốc không đưa ra bình luận nào còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh thì bác bỏ những lời chỉ trích nhằm vào Viện Khổng Tử.
Charles Burton, một giáo sư đại học Brock Ontario và là một nhà cựu ngoại giao có 2 nhiệm kỳ tại Trung Quốc cho biết, chắc chắn Bắc Kinh sẽ rất tức giận; việc Hội đồng Giáo dục Toronto tuyên bố cắt đứt quan hệ hợp tác với Viện Khổng Tử sẽ khiến Trung Quốc cảm thấy mất mặt.
Ban đầu Toronto hy vọng có thể thông qua Viện Khổng Tử để nhân rộng các chương trình dạy tiếng Hán và văn hóa, nghệ thuật Trung Quốc cho học sinh tiểu học, nhưng viện này đã vấp phải sự phản đối của các phụ huynh ngay từ lúc bắt đầu với những bằng chứng đưa ra về những “ẩn ý” của Bắc Kinh.
Các lớp học tiếng Hán rất phổ biến ở Canada khi học sinh và phụ huynh cảm thấy ngoại ngữ này quan trọng với sự nghiệp. Tiếng Hoa là ngôn ngữ phổ biến thứ 3 tại Canada, sau tiếng Anh và tiếng Pháp. Khoảng 10,5% những người mới đến Canada từ năm 2006 đến 2011 là từ Trung Quốc.
Theo giaoduc.net