Ngày 30/3, Hội đồng châu Âu (EC) đã quyết định thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA). Với Hiệp định này, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU.
Sau khi Hội đồng châu Âu thông qua thủ tục cuối cùng, EVFTA hiện chỉ còn chờ Quốc hội Việt Nam thông qua tại kỳ họp tới và Chủ tịch nước ký ban hành là hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực.
Được biết hiện nay, EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỉ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỉ USD.
Theo đó, hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới.
Một số nội dung chính của Hiệp định EVFTA
Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu).
Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU sẽ được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.
Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu).
Với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của WTO.
Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối.
Hai bên cũng đưa ra cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời thảo luận về nội dung giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước.
Nhận định về EVFTA, ông Gordan Grlic Radman – Ngoại trưởng Croatia, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, cho biết đây là hiệp định thứ 2 mà EU ký với một quốc gia Đông Nam Á và là hiệp định tham vọng nhất từ trước đến nay của EU với một quốc gia đang phát triển. Ông Radman cũng nhấn mạnh EVFTA sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội thương mại cho cả hai phía EU và Việt Nam.
Được biết, EVFTA đã được Việt Nam và EU đàm phán trong suốt gần 1 thập kỷ. Đây là hiệp định không chỉ đòi hỏi những cải tổ về mậu dịch hàng hoá, mà còn bao gồm cải tổ ở các lĩnh vực khác, đặc biệt là bảo vệ nhân quyền, bảo vệ quyền lao động và bảo vệ môi trường.
Việt Anh (t/h)