Tinh Hoa

Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc: 1 mũi tên trúng 2 đích?

Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế đầu tiên của Trung Quốc đã diễn ra từ ngày 5 – 10/11/2018 tại Thượng Hải. Truyền thông Hong Kong cho biết, nhìn từ góc độ chiến tranh thương mại mà xét, Hội chợ này có thể thu được hiệu quả 1 mũi tên trúng 2 đích. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng ông Tập Cận Bình dự lễ khai mạc Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc. (Ảnh qua TTXVN)

Sáng ngày 5/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới tham dự lễ khai mạc và có bài phát biểu dài nửa tiếng đồng hồ tại Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc. 

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình một lần nữa định vị, tổ chức Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế là Trung Quốc đang nhắm tới các quyết sách to lớn nhằm đẩy mạnh mở cửa đối ngoại, là hành động cho thấy Trung Quốc chủ động mở cửa thị trường với thế giới.

Ông Tập Cận Bình còn nói: “Dự tính trong 15 năm tới, các sản phẩm và dịch vụ mà Trung Quốc nhập khẩu sẽ lần lượt vượt quá 30 nghìn tỷ USD và 10 nghìn tỷ USD”.

Trước đó, Bộ Thương mại Trung Quốc khi nói về Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc, cũng nhắc đến một con số, trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ nhập khẩu sản phẩm và dịch vụ với tổng trị giá hơn 10 nghìn tỷ USD.

Phân tích cho rằng, chính quyền Bắc Kinh đang dùng con số kinh tế thương mại khổng lồ để kêu gọi “đối tác nhỏ” cùng đứng về phía mình. Hội chợ này đã thu hút hơn 20 nước đang phát triển nhất tham dự, ví như Panama, Dominica, El Salvador, thậm chí cả tổng thống cũng tới tham dự; trong khi đó các nhân vật chính trị quan trọng của Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italia và Nhật Bản đều không tham dự, những nhân vật chính trị quan trọng của các nước có thương mại chủ yếu với Trung Quốc như Hàn Quốc, Úc, cũng từ chối tham dự.

Điều này thể hiện rằng, chính quyền Trung Quốc và các “đối tác nhỏ” đang dần đối lập với phương Tây trong bố cục thương mại.  

Nhật báo Kinh tế Hong Kong cho rằng, ông Tập Cận Bình đề xướng tổ chức hội chợ này, vốn hy vọng mượn cơ hội để thu hút lãnh tụ các nước đến Trung Quốc tham dự, kết quả là chỉ có lãnh đạo các nước đang phát triển tới tham dự, lãnh đạo các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản đều vắng mặt.

Tuy nhiên, bản tin cũng cho rằng, từ góc độ chiến tranh thương mại mà xét, việc Trung Quốc tổ chức hội chợ này có thể đạt được mục tiêu 1 mũi tên trúng 2 đích.

Thứ nhất, sau khi Trung – Mỹ bùng nổ chiến tranh thương mại, Bắc Kinh vẫn tổ chức hội chợ như đã dự tính, chính là nhân cơ hội 40 năm cải cách mở cửa, đưa ra thiện ý cho thấy Trung Quốc sẽ tiến thêm bước nữa để mở cửa thị trường.

Thứ hai, Trung Quốc tổ chức Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế, thay đổi hình tượng là nước thu ngoại hối nhờ xuất khẩu, thành đẩy mạnh nhập khẩu, trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, trong tương lai sẽ nhập khẩu sản phẩm và dịch vụ vượt quá 10 nghỉn tỷ USD, khiến cho bên ngoài có cảm giác Trung Quốc không phải là mối đe dọa, mà là cơ hội.

Bản tin cho biết, mặc dù Trung Quốc đưa ra thiện ý, nhưng chính phủ các nước châu Âu và Mỹ lại lạnh nhạt, bởi vì ngoài việc yêu cầu Trung Quốc mở cửa thị trường, họ còn yêu cầu Trung Quốc thay đổi thể chế, tiến hành cải cách sâu hơn nữa, hủy bỏ trợ cấp doanh nghiệp nhà nước, bởi vì dưới chính sách nghiêng lệch, doanh nghiệp nhà nước tập trung lực lượng làm việc lớn tương đối dễ, khiến cho doanh nghiệp nước ngoài khó cạnh tranh.

Do đó chính phủ các nước châu Âu và Mỹ đều hy vọng, trong môi trường kinh doanh, Trung Quốc cần có nhiều biện pháp cụ thể thích hợp với tiêu chuẩn phương Tây, dùng hành động để chứng minh cải cách mở của sâu rộng. Tuy nhiên, dù doanh nghiệp các nước này có bất mãn với các chính sách kinh tế thương mại của Trung Quốc, nhưng lại vẫn tích cực tham dự hội chợ, phối hợp với chính quyền Trung Quốc, cố gắng giữ kín tiếng, bởi vì họ đều không muốn mất đi thị trường Trung Quốc đầy béo bở này.

Bản tin cho rằng, Trung Quốc tổ chức hội chợ này là muốn thể hiện ra tư thái mở cửa, nhằm lôi kéo được nhiều nước ủng hộ mình trong cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, bước đi quan trọng này của Trung Quốc là đúng, nhưng không đồng nghĩa là một bước có thể đi đến thành công ngay, bởi vì đằng sau liên quan đến cuộc chiến chính trị ngầm giữa Trung Quốc với Mỹ, và khó khăn vẫn trùng trùng.

Đến hiện tại, chiến tranh thương mại Trung – Mỹ đã nổ ra được gần 4 tháng, trải qua 4 vòng đàm phán không có kết quả. Trong quá trình chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang, ông Trump đã sử dụng chính sách cô lập đối với Trung Quốc. Ký lại mới “Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada” chính là ví dụ rõ ràng nhất.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow trả lời phỏng vấn của truyền thông cũng đã nói, đây là hiệp định 3 bên vô cùng quan trọng, Trung Quốc đang bị cô lập trong chiến tranh thương mại.

Bên cạnh đó, trong thời gian diễn ra kỳ họp  Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi tháng 9, Mỹ-Nhật Bản-Liên minh châu Âu cùng công bố thông cáo chung, tuyên bố cùng nhau chống lại các hành vi thương mại không công bằng như bán phá giá, ép buộc các doanh nghiệp nước ngoài chuyển nhượng công nghệ, đánh cắp bí mật doanh nghiệp.Ông Larry Kudlow còn cho biết, ông Trump và ông Tập sẽ gặp nhau tại Argentina trong thời gian diễn ra Hội nghị G20, đây có thể coi là cuộc hội đàm song phương chính thức, chiến tranh thương mại và chính sách cô lập của Tổng thống Trump khiến kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng rõ rệt, Bắc Kinh có lẽ đang cân nhắc để đạt được một số hiệp định với Washington.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang nóng lên, các số liệu kinh tế của Trung Quốc đang liên tục giảm sút, Trung Quốc đã cảm nhận được áp lực kinh tế ngày càng trầm trọng, thậm chí đủ để nghẹt thở. Cuối tháng 10/2018, hội nghị của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tập trung thảo luận kinh tế, nhấn mạnh áp lực kinh tế ngày càng lớn, cần phải coi trọng, nâng cao khả năng dự đoán. Ngày 1/11, khi ông Tập hội kiến các nhà đầu tư cũng thừa nhận, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang bất ổn, áp lực kinh tế đi xuống ngày càng tăng cao, doanh nghiệp lâm vào khó khăn.

Chiến tranh thương mại cũng khiến cho đấu đá nội bộ của ĐCSTQ càng thêm kịch liệt, Hội nghị Trung ương 4 khóa 19 chưa thể khai mạc. Phân tích cho rằng, Bắc Kinh không thể không tìm đến ông Trump, để khôi phục lại quan hệ, thậm chí cùng thương lượng việc làm thế nào để ứng phó với tình hình chính trị nội bộ ĐCSTQ và quốc tế, do đó có lý do để suy đoán rằng, “Hội nghị Trump – Tập” có thể sẽ đạt được nhận thức chung hoặc hiệp định về chiến tranh thương mại.

Theo Trithucvn