Nghỉ hè là giai đoạn rảnh rỗi để học sinh có thể nghỉ ngơi sau 1 năm học tập, nhưng thay vì phụ giúp cha mẹ hay chơi những trò lành mạnh như thể thao… thì trẻ ngày nay chỉ dán mắt vào máy tính. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Vũ Hán bùng phát, trẻ em lại càng có thời gian rảnh rỗi để chơi game nhiều hơn. Tuy nhiên, câu chuyện về chàng trai đã qua đời sau nhiều giờ chơi game dưới đây, sẽ là một sự cảnh tỉnh cho giới trẻ về thói quen độc hại này.
Piyawat Harikun, 17 tuổi ở Udon Thani là một cậu thiếu niên thích chơi điện tử đến mức có thể dành nhiều giờ để giam mình trong phòng và thưởng thức các trận chiến tổ đội yêu thích.
Cậu thậm chí có thể chơi điện tử thâu đêm, đặc biệt vào những lúc không phải đi học. Bố mẹ Piyawat thường phải mang đồ ăn lên phòng cho con vì lo sợ cậu sẽ kiệt sức vì Piyawat không thể rời khỏi các trận đấu của mình.
Cho đến một ngày, khi ông Jaranwit, bố của cậu lên phòng để tìm con thì mới phát hiện chàng trai này đã ngã quỵ bất tỉnh bên cạnh bàn máy tính.
Dù đã dùng mọi cách để cố gắng đánh thức con dậy nhưng mọi thứ đã quá muộn. Kết quả khám nghiệm của cảnh sát cho thấy Piyawat đã qua đời do đột quỵ, và nguyên nhân dẫn đến cái chết có thể từ việc chơi máy tính liên tục suốt đêm.
“Tôi đã gọi tên nó và bảo ‘dậy đi, dậy đi’ nhưng nó không trả lời. Lúc đó tôi phát hiện ra thằng bé đã qua đời”.
Chia sẻ câu chuyện của con trai, ông Jaranwit đau buồn cho biết, Piyawat là một đứa trẻ “thông minh”, và là một học sinh có thành tích học tập tốt. Tuy nhiên, cậu lại mắc chứng không thể kiểm soát được thói chơi điện tử vô độ của mình.
Mặc dù cha mẹ đã nhiều lần cảnh báo về việc chơi game hàng giờ của cậu và Jaranwit cũng nhiều lần hứa sẽ thay đổi, nhưng chàng trai vẫn chưa bao giờ làm được điều đó.
Câu chuyện về cái chết của con dù rất đau lòng, nhưng gia đình ông Jaranwit vẫn quyết định chia sẻ nó cho báo chí được biết. Ông ấy hy vọng cái chết của Piyawat sẽ là “một minh chứng và một lời báo động” dành cho các bậc phụ huynh về hậu quả của việc nghiện chơi điện tử.
Ông còn kêu gọi các bậc cha mẹ “cần nghiêm khắc hơn”.
“Nếu không, những đứa con của họ sẽ có kết cục giống con trai tôi”, ông than thở.
Nghiện game có thể gây ra những thay đổi não bộ và khống chế con người
Một số nghiên cứu về não đã chỉ ra rằng, hành vi nghiện game có thể gây ra những thay đổi hoạt động thần kinh giống với nghiện chất.
Có thể hiểu game gần như là một loại ma túy, nó mê hoặc đầu não con người bằng những tín hiệu điện tử. Người nghiện game thường có biểu hiện như: Nhu cầu chơi game ngày một tăng, lấn át mọi thú vui hoặc sở thích khác, việc ngừng hoặc trì hoãn nhu cầu chơi game sẽ gây khó chịu, đau khổ, giận dữ, bạo lực, và chán nản,… khiến người chơi cảm thấy mất sức sống và không tha thiết bất cứ điều gì.
Nếu không được chơi thì chúng sẽ làm họ khó chịu, bồn chồn, và mất tập trung… Cuối cùng, phải chơi game mới thỏa mãn và giải tỏa được các ức chế tâm lý đó.
Hành vi nghiện game kéo dài, còn bòn rút sức khỏe của người chơi, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, mất ngủ, mất tập trung, cận thị, nhức đầu, căng thẳng, suy sụp về thể chất, rối loạn thần kinh, tự kỷ, tự sát…. thậm chí là đột quỵ và tử vong. Và câu chuyện về Piyawat cũng chính là một trong số rất nhiều những trường hợp đã tử vong do đột quỵ vì nghiện game.
Nhưng dù đang là tình trạng đáng báo động, các bậc phụ huynh ngày nay lại không quá quan tâm đến điều đó. Nguy hiểm hơn là không chỉ thanh thiếu niên, mà mức độ nghiện game ngày nay còn đang ngày càng trẻ hóa.
Không khó để thấy một đứa trẻ 2, 3 tuổi đã biết cầm điện thoại chơi game một cách điêu luyện mà cha mẹ không hề cấm cản. Nhiều bậc phụ huynh thậm chí còn tự hào khi con mình có thể sử dụng được điện thoại thông minh từ khi còn rất sớm.
Đặc biệt là trong giai đoạn mà các hãng game đang ngày càng phát triển hiện nay, đã trở thành một trong những thú vui giải trí được ưa chuộng hàng đầu của giới trẻ trên toàn thế giới.
Không ngừng có đủ các thể loại game được thiết kế phù hợp cho mọi tầng lớp xã hội và mọi lứa tuổi. Điều này nghĩa là kể cả 1 đứa trẻ cũng sẽ có vô số tựa game hấp dẫn đang chờ sẵn và bám theo chúng trong suốt quá trình lớn lên, và ở mọi thời điểm của cuộc đời.
Do vậy, nếu cho trẻ tiếp xúc từ nhỏ, trẻ càng dễ dàng có khuynh hướng lệ thuộc vào thiết bị điện tử và có khả năng nghiện game hơn khi trưởng thành.
Chúc Di (t/h)