Tinh Hoa

Học giả Việt Nam phản bác lập luận sai trái của chuyên gia Mỹ về Biển Đông

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao thuộc Học viện Ngoại giao đã có bài phản bác lại những lập luận sai trái của một nhà nghiên cứu người Mỹ khi nói về các tranh chấp trên Biển Đông.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy cả Trung Quốc và Việt Nam đã tiến hành cải tạo đất trên Biển Đông. Câu hỏi đặt ra là “quốc gia nào hung hăng nhất Biển Đông và hiện trạng của khu vực giờ ra sao?”

Bài báo của tác giả Greg Austin, nhà nghiên cứu thuộc Viện Đông Tây ở New York, đăng trên tạp chí The Diplomat đã gây ra những tranh cãi mạnh mẽ về việc ông này gọi Việt Nam là “quốc gia hung hăng nhất ở Biển Đông”.

Không chỉ cải tạo và xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông, Trung Quốc còn biến nhiều khu vực trở thành căn cứ quân sự.

Ông Austin dẫn nguồn báo cáo hôm 13/5 của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear, người từng làm đại sứ ở Việt Nam, cho rằng Việt Nam hiện giữ 48 đảo, bãi can thực tế còn Trung Quốc chỉ chiếm 8 thực thể.

Tuy nhiên, hôm 24/6, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam đã có bài viết mang tựa đề “Sự thật về ‘kẻ hung hăng’ ở Biển Đông” (The Truth About Aggression’ in the South China Sea), để phản biện lại những thông tin sai lệch mà nhà nghiên cứu Austin đã công bố.

Infonet xin trích nguyên văn những phân tích của ông Thao trên tạp chí The Diplomat.

Nhà nghiên cứu Austin đã dẫn không chính xác phát biểu của Trợ lý Shear hôm 13/5 rằng: “Việt Nam có 48 tiền đồn” (Viet Nam has 48 outposts). Trong khi đó, ông Austin lại dùng từ “thực thể” (feature) để mô tả là hoàn toàn sai”.

Điều thứ hai vô cùng quan trọng là thái độ của Việt Nam trên Biển Đông thay vì các con số thống kê. Điển hình, vào năm 1995, nhằm giảm thiểu căng thẳng trong khu vực và hướng tới mục tiêu giải quyết các tranh chấp trong hòa bình, Việt Nam là quốc gia đầu tiên kêu gọi các nước giữ nguyên hiện trạng Biển Đông. Nói cách khác, “Việt Nam đã không mở rộng chiếm đóng mới trên bất kỳ một thực thể nào mà chỉ tăng cường các điểm quan sát trên cùng một thực thể để bảo đảm quản lý và chống sự xâm nhập từ nước ngoài lên đảo.

Do đó, thật không công bằng khi so sánh các hoạt động của Việt Nam trên Biển Đông với quy mô rầm rập cải tạo và xây dựng trái phép của Trung Quốc. Theo tuyên bố hôm 1/6 của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Việt Nam vẫn duy trì các tiền đồn tại 9 đảo và 12 bãi đá. Tuy nhiên, nhiều điểm đóng trên một thực thể tồn tại tự nhiên chưa chắc đã bằng việc mở rộng thực thể gấp nhiều lần kích thước thật để xây dựng cả một tổ hợp căn cứ quân sự trên đó như Trung Quốc đang làm.

Điều thứ ba, rõ ràng Trung Quốc đang ngang nhiên cải tạo đất và xây dựng trái phép trên những khu vực đã được các nước láng giềng tuyên bố chủ quyền và đây là hành động mang tính khiêu khích. Quá trình xây dựng trên Biển Đông của Việt Nam, Philippines và Malaysia diễn ra trước thời điểm Trung Quốc và ASEAN ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) vào năm 2002.

Ngoài ra, Việt Nam, Philippines và Malaysia đều có điểm chung là những khu vực mà 3 quốc gia này tuyên bố chủ quyền đều là những hòn đảo và bãi đá tự nhiên bị ngập nước khi thủy triều dâng. Ba nước đều cùng chung mục đích cải tạo đất để chống xói mòn và nâng cao chất lượng đời sống người dân bằng cách chuyển vật liệu xây dựng từ đất liền ra đảo. Những thực thể này còn đang được dân sự hóa và bắt đầu mở dịch vụ du lịch. Đáng nói, tại các thực thể này không có vũ khí hạng nặng. Cả 3 nước chỉ có ý định phòng thủ chứ không xây dựng các căn cứ quân sự nhằm đe dọa an ninh của những quốc gia khác. Ngoài ra, Việt Nam, Philippines và Malaysia cũng không thay đổi môi trường tự nhiên trên các thực thể.

Trong khi đó, kể từ năm 1988, Bắc Kinh đã tiến hành cải tạo đất tại các “bãi triều thấp” (LTE) nằm cách xa đất liền Trung Quốc tới 1.000 km với quy mô lớn và tốc độ cực nhanh.

Những bức ảnh vệ tinh mới đây cho thấy trung Quốc đã mở rộng diện tích cải tạo đất từ 20 hecta lên thành 810 hecta. Điển hình, tại bãi đã Subi thuộc quần đảo Trường Sa, tốc độ cải tạo đất trái phép của Trung Quốc từ tháng 5 – 6/2015 là 8 hecta/ngày. Mục đích của Trung Quốc là biến bãi triều thấp này thành một căn cứ quân sự rộng khoảng 3,87 km2 và cho xây một đường băng dài khoảng 3 km. Trên thực tế, toàn bộ các hòn đảo và bãi đá nằm trong quần đảo Trường Sa chỉ có diện tích chưa tới 10 km2, trải dài trên vùng biển từ 160.00 – 180.000 km2.

Trung Quốc âm mưu áp đặt các quy định riêng của nước này trên Biển Đông.

Ngoài quy mô xâm chiếm trái phép, hành động của Trung Quốc còn tạo ra những tác động xấu tới khu vực và coi thường luật pháp quốc tế. Bởi Trung Quốc đang sử dụng các tàu nạo vét cát cỡ lớn nhất thế giới để phá hủy hệ sinh thái rặng san hô nhằm trích xuất nguyên liệu. Việc Trung Quốc phá hủy hơn 300 hecta rặng san hô đã gây thiệt hại hơn 100 triệu USD/năm cho các nước nằm quanh Biển Đông cũng như gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái biển.

Thậm chí, Bắc Kinh còn cố tình biến các “bãi triều thấp” thành đảo nhân tạo để ép buộc cộng đồng quốc tế công nhận và trao tính hợp pháp cho những khu vực này như các đảo tự nhiên. Trung Quốc còn ra yêu sách, đòi các nước công nhận vùng lãnh hải 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý quanh những hòn đảo nhân tạo của nước này. Những đòi hỏi phi lý của Trung Quốc đã đi ngược lại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà Bắc Kinh là một thành viên tham gia.

Hoạt động cải tạo đất của Việt Nam chỉ bằng 0,2% so với quy mô mà Trung Quốc tiến hành hồi tháng Ba năm nay. Trung Quốc thì khăng khăng tuyên bố hoạt động xây dựng tại các bãi triều thấp nhằm bảo vệ an ninh hàng hải, nghiên cứu khoa học biển và hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn trên biển. Nhưng sự thật lại hoàn toàn khác. Hoạt động xây dựng của Trung Quốc nhằm cho ra đời những căn cứ quân sự trang bị vũ khí hạng nặng, cầu cảng và sân bay.

Việc làm của Trung Quốc đã khiến các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại về nguy cơ cản trở hoạt động tự do hàng hải ít nhất là quanh vùng 12 hải lý từ các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng trái phép. Nguy hiểm hơn, những căn cứ này có thể trở thành sở chỉ huy của lực lượng bảo vệ bờ biển, hải quân, kiểm ngư của Trung Quốc để xua đuổi, bắn chìm, cướp bóc các tàu cá của Malaysia, Philippines và Việt Nam trên Biển Đông. Thậm chí, qua thời gian, Trung Quốc còn thiết lập lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông và hiện thực hóa cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn” phi lý.

Trong bài viết của mình, ông Thao khẳng định rõ ràng các căn cứ của Trung Quốc đang đe dọa môi trường tự nhiên và an ninh, ổn định trong khu vực. Đây là lý do mà Mỹ, nhóm G7 và các nước trong khu vực lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động ngang ngược của Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh tiếp tục việc làm sai trái trên Biển Đông, một cuộc đua vũ trang trong khu vực sẽ được kích hoạt bởi các nước nhỏ cho rằng họ cần đầu tư thêm vũ khí để bảo vệ quyền chủ quyền và hợp nhất lãnh thổ quốc gia. Trên Biển Đông, Trung Quốc dường như đang không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn đang áp đặt những quy định của riêng nước này ở vùng biển chiến lược, ông Thao nhấn mạnh.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

MINH THU (lược dịch)

Theo Infonet