Người xưa dưỡng sinh như thế nào? Trong cuốn Hoàng Đế Nội Kinh có ghi chép: “Người thượng cổ tuổi tác có đến trăm tuổi, có thể sống trọn tuổi trời”. Theo cách nói đó, thì tuổi thọ con người thời cổ đại tương đối dài, vậy làm thế nào để họ có thể càng sống càng khỏe hơn? Những ghi chép trong cuốn sách này quả thật đáng để chúng ta tham khảo.
Cần lao không biết mệt
Trong cuốn Hoàng Đế Nội Kinh có viết: “Ăn uống điều độ, thức ngủ theo lẽ thường, không lao động mệt nhọc 1 cách cẩu thả, thì hình thể và thần khí tự sẽ được bồi đắp đầy đủ, có thể sống trọn tuổi trời”.
Các bậc thầy dưỡng sinh thời cổ đại đều biết rằng: “hình thể” và “thần khí” là tương hỗ cho nhau, dựa vào nhau mà tồn tại, đây chính là “hình nhờ vào thần mà lập, thần dựa vào hình mà tồn tại”. Nếu như muốn dưỡng tốt “hình và thần”, thì phải cân bằng tốt giữa “động và tĩnh”. “Tĩnh” giúp nuôi dưỡng nguyên khí của cơ thể, trong khi “động” lại cho phép nguyên khí được lưu thông tốt hơn.
Trong cuộc sống hàng ngày, làm thế nào để tinh thần con người luôn tràn đầy năng lượng và làm cho cơ thể ngày càng khỏe mạnh hơn? Hãy thực hiện theo những điều dưới đây:
Duy trì thói quen sinh hoạt tốt cho cơ thể, giữ một chế độ ăn uống cân bằng vừa phải, kiên trì rèn luyện thân thể với mức độ phù hợp… tất cả đều mang lại lợi ích sức khỏe tuyệt vời.
Không khó để thấy rằng, nhiều người cao tuổi ở các khu vực nông thôn thường có cuộc sống khó khăn hơn nhưng lại có xu hướng sống thọ hơn so với người cao tuổi ở thành phố. Điều này là do cuộc sống ở nông thôn cho phép họ duy trì một thói quen lao động tốt cho cơ thể trong thời gian dài, do đó họ không dễ cảm thấy mệt mỏi.
Tâm an thì không biết sợ
Hoàng Đế Nội Kinh có viết “Hỷ thời khí hòa chí đạt, vinh vệ thông lợi”, nghĩa là một người có tâm thái bình hòa, hiểu được đạo cần phải thuận theo tự nhiên, thì tâm thái tự sẽ an nhiên, không lo buồn khi lợi ích thiết thân bị thiệt hại, từ đó mà sống lạc quan. Do đó, các hoạt động sinh lý tạng phủ trong cơ thể người ấy luôn có thể hoạt động theo đúng quy luật.
Ngược lại, những người thường lo lắng buồn bã, khó tính và cuộc sống lúc nào cũng run rẩy sợ hãi, thì dễ gặp vấn đề về sức khỏe ở cả tinh thần và thể chất, hiếm khi đạt được trường thọ.
Dưỡng sinh trong Đông y có giảng về “Dưỡng tâm và điều thần”, quả là phù hợp với môt câu nói trong “Hoàng Đế Nội Kinh”: Tâm an thì không sợ.
Bởi vì “Tâm có an” thì chí mới vui, thanh mới cười. Trong cuộc sống hàng ngày nếu luôn duy trì được một tâm trạng vui vẻ và tiếng cười hạnh phúc, thì điều đó sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc dùng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe đắt tiền trên thế giới. Với một nội tâm an định và một cuộc sống tự do thoải mái, tuổi thọ của bạn sẽ càng ngày càng được nâng cao.
Đức toàn thì không nguy
Trong Hoàng Đế Nội Kinh có câu: “Sở dĩ những người này có thể sống đến trăm tuổi mà động tác không suy yếu, đó là nhờ họ đã giữ được cái đức của mình toàn vẹn, nên không bị nguy đến tính mạng”.
Điều này nghĩa là một số người sở dĩ có thể sống đến trăm tuổi, nhưng vận động vẫn linh hoạt mà không bị lão hóa, đó hoàn toàn là do tu dưỡng đạo đức mà được.
Có lẽ con người thời nay đã không còn liễu giải được hàm nghĩa trong lời nói này của người xưa. Kỳ thực, văn hóa truyền thống Trung hoa là dựa trên “đạo đức” mà kiến lập.
Khổng Tử nói: “Đại đức giả, tất đắc kỳ thọ”, câu này nghĩa là những người có tu dưỡng đạo đức cao thượng, thường càng sống càng trẻ hơn, lời nói này cũng bao hàm trong lý luận y học.
Y gia Tôn Tư Mạc cũng nói trong “Thiên kim yếu phương” rằng: “Tính trong con người mà thiện, thì bách bệnh trong ngoài không thể phát sinh, họa loạn tai hại cũng vì thế mà không có lý do để gây hại, lấy dưỡng sinh làm đại kinh vậy”.
Ngoài ra, dưỡng đức có thể điều chỉnh tính khí của con người, bảo vệ nguyên khí từ trong ra ngoài và khiến con người sống lâu hơn. Điều gọi là đức hạnh toàn vẹn, khái quát mà nói chỉ có 8 chữ: “Tính thiện, Nhân lễ, Tri túc, Nhẫn nhượng”, khiêm nhường lễ độ, kính người giữ mình, có thể giúp bảo vệ hình thể và thần khí của chúng ta khỏi bị tổn hại, kéo dài tuổi thọ.
Giảm bớt ham muốn và biết đủ, chí sẽ nhàn
Hoàng Đế Nội Kinh viết “giữ lòng điềm đạm, hư vô, sống đúng với chân khí của mình, tinh thần giữ bên trong, thì bệnh làm sao có thể đến được?”
Điều này nghĩa là nếu tinh thần con người điềm đạm, không dục vọng ham muốn, không cầu mong (vô dục vô cầu), thì chân khí mới có thể tồn lưu trong cơ thể, tinh thần tồn ở trong thì không hao tán, vậy bệnh tật nào có thể gây hại được đây?
Vậy nên con người muốn sống lâu hơn và trẻ hơn, phải học cách kiểm soát ham muốn của chính mình.
Vào thời nhà Thanh, có một nhà dưỡng sinh tên là Lý Độ Viễn, ông là người có am hiểu sâu sắc về con đường tiết dục dưỡng sinh.
Ông ủng hộ lối sống với một chế độ ăn uống đơn giản, có thể giảm gánh nặng cho tỳ vị; giảm ham muốn có thể giữ cho tinh thần minh mẫn; ít nói chuyện có thể giúp điều hòa hơi thở; nhân cách đơn giản có thể giữ cho mình trong sạch; không ham tửu sắc, có thể thanh tâm quả dục, giảm nhẹ lo lắng, trừ bỏ phiền não.
Chỉ cần bạn làm được một phần thì thụ ích được một phần. Ăn thế nào cũng thấy ngon, mặc thế nào cũng thấy thoải mái, cuộc sống chất phác đó chính là đầy đủ vậy.
Dương Quang (Theo NTDTV)