Tinh Hoa

Hoàng Chi Phong, lãnh đạo phong trào “Dù Vàng” lại bị bắt giữ

Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), thủ lĩnh 22 tuổi của phong trào biểu tình “Dù Vàng” Hồng Kông, đã bị bắt lại sau hơn hai tháng được thả khỏi trại cải huấn.

Theo tin từ Đảng Demosisto của Hồng Kông, nhà hoạt động Joshua Wong bị bắt lúc 7:30 giờ địa phương sáng 30/8. “Tổng thư ký của chúng tôi, Joshua Wong vừa bị bắt sáng nay vào khoảng 7:30, khi anh đang đi bộ đến trạm MTR South Horizons. Anh bị xô vào một chiếc minivan cá nhân trên đường lúc thanh thiên bạch nhật. Luật sư của chúng tôi đang theo sát vụ việc” – Đảng Demosisto viết trên Twitter sáng 30/8.

Joshua Wong từng bị cảnh sát khống chế ngày 19/5/2016. (Ảnh: BBC)

Trang Democratic Hồng Kông bình luận trên Twitter: “Rõ ràng, đây là một vụ bắt giữ cấp cao, đặc biệt là nó diễn ra một cách trơ trẽn vào ban ngày, để gieo rắc nỗi sợ hãi và bất lực trong những người biểu tình Hồng Kông”.

Joshua Wong sau đó được đưa đến trụ sở cảnh sát ở Wan Chai, đảng Demosisto cho hay. Cảnh sát chưa bình luận về vụ việc. Đảng Demosisto cũng cho biết Joshua Wong phải đối mặt với ba cáo buộc, nhưng hiện chưa rõ các cáo buộc này là gì.

Theo HKFP (Hong Kong Free Press), cảnh sát đã nói rằng họ bắt Joshua Wong là vì nghi ngờ anh sẽ bạo loạn và tấn công cảnh sát. 

Sau khi Joshua Wong bị đem về đồn cảnh sát thì một thành viên nòng cốt, uỷ viên thường vụ của Demosito là cô Agnes Chow cũng bị bắt giữ. 

Nhóm hoạt động cho biết vẫn đang tìm kiếm thêm thông tin về tình trạng hiện tại của Joshua và Agnes, và đã mời luật sư của 2 người hợp tác điều tra, làm sáng tỏ vụ việc trên.

Nhà hoạt động Agnes Chow. (Ảnh: Inmediahk)

Các vụ bắt giữ này xảy ra ngay trước ngày Thứ Bảy 31/8 – thời điểm người biểu tình Hồng Kông dự định tổ chức các cuộc tuần hành và biểu tình quy mô lớn để kêu gọi dân chủ tuyệt đối cho Hồng Kông. Hiện kế hoạch này chưa được cảnh sát chấp thuận.

Joshua Wong được xem là một trong những người dẫn đầu cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên tại Hồng Kông năm 2014 nhằm phản đối việc Bắc Kinh can thiệp quá sâu vào cuộc bầu cử trưởng đặc khu hành chính năm 2017.

Phong trào được gọi là “Dù Vàng” vì người biểu tình mang theo ô để che mưa, nắng và bảo vệ bản thân khi cảnh sát dùng hơi cay. Biểu tình kéo dài gần ba tháng, lúc đỉnh điểm thu hút 100.000 người tham gia, đã làm tê liệt một phần của thành phố. Wong được thả ngày 17/6, sau khi thụ án 5 tuần vì tội coi thường tòa án.

Joshua Wong ra tù khi các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ ở Hồng Kông đang diễn ra. Khi đó, Joshua Wong đã yêu cầu Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức, bãi bỏ hoàn toàn dự luật dẫn độ.

“Bà Lâm cần từ chức, nếu không, tôi đảm bảo rằng, trước lễ kỷ niệm 22 năm ngày Hồng Kông được trả về Trung Quốc, không chỉ một hay hai triệu người mà còn nhiều hơn nữa sẽ tham gia cùng chúng tôi chiến đấu cho tới khi chúng tôi dành lại được quyền tự do và quyền con người cơ bản”, BBC dẫn lời Joshua Wong khi đó.

Trong một sự việc riêng rẽ khác, Andy Chan, thủ lĩnh một nhóm chính trị độc lập hiện đang bị cấm hoạt động tại Hồng Kông, đã bị cảnh sát bắt lại ở sân bay Quốc tế Hồng Kông, khi anh đang chuẩn bị đến Nhật Bản.

Nhà hoạt động chính trị độc lập Andy Chan bị bắt giữ tại sân bay khi chuẩn bị bay sang Nhật. (Ảnh: HKFP)

Cảnh sát Hồng Kông xác nhận đã bắt giữ Andy vào hôm thứ Năm vừa qua, do bị tình nghi “tham gia vào các cuộc bạo động” và “tấn công cảnh sát”. Nhà hoạt động 29 tuổi này hiện đang bị tạm giữ để phục vụ quá trình điều tra.

Cả 3 nhà hoạt động xã hội Joshua Wong, Agnes Chow và Andy Chan bị bắt trong bối cảnh Hồng Kông đang trải qua tuần thứ 13 biểu tình liên tục. Làn sóng biểu tình xuất phát từ việc phản đối dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm sang xét xử tại các nước mà Hồng Kông không ký hiệp ước dẫn độ, trong đó có Trung Quốc đại lục.

Dù dự luật dẫn độ đã bị hoãn, nhưng các cuộc biểu tình nay đã phát triển thành các phong trào đòi cải cách dân chủ và điều tra độc lập về việc cảnh sát dùng bạo lực để trấn áp người biểu tình.

Đây là đợt biểu tình quy mô lớn nhất ở Hồng Kông kể từ khi đặc khu này được Anh trao trả về Trung Quốc năm 1997. Cảnh sát Hồng Kông đã dùng đến nhiều loại hình vũ khí để đối phó biểu tình, như lựu đạn cay, vòi rồng, thậm chí cả nổ súng cảnh cáo. Hơn 800 người đã bị bắt kể từ khi đợt biểu tình bắt đầu từ đầu tháng 6.

Gia Hưng (T/h)