Bộ phim điện ảnh “Hồ Trường Tân” không chỉ được truyền thông Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “đánh bóng” trở thành kỳ tích phòng vé, mà còn biến nó thành lớp học “cảm tình Đảng” cho tất cả các cơ quan đảng và chính quyền, trường học, ngay cả đến hòa thượng cũng được khuyến khích nên xem bộ phim này.
Theo truyền thông Trung Quốc, vào ngày 29/10, khoảng 20 nhà sư ở chùa Hoa Thịnh (Thiên Tân) đeo khẩu trang, cùng nhau xem “Hồ Trường Tân” tại một rạp hát, sau đó đã thông báo trên trang web chính thức của chùa, nói rằng đây là buổi học tập để thâm nhập, mở mang kiến thức về lịch sử Đảng, phát huy tinh thần yêu nước, ôn lại đoạn lịch sử hào hùng, tưởng nhớ sâu sắc các bậc tiền bối cách mạng.
Chùa Hoa Thịnh viết: “Lần xem phim này đã mang lại một sự xúc động vô cùng lớn cho tất cả mọi người, là ‘lớp học điện ảnh về Đảng’ sống động, là tài liệu giảng dạy nhằm mở mang về lịch sử Đảng và giáo dục lòng yêu nước. Thông qua màn hình lớn, tất cả mọi người cùng nhau sống lại đoạn lịch sử hào hùng tráng lệ, xúc động lòng người, lại cùng nhau tôn vinh những người đáng kính nhất”.
Với nhan đề “Trận chiến hồ Trường Tân” (The Battle at Lake Changjin) bộ phim đề tài chiến tranh kéo dài 3 giờ ca ngợi chiến thắng của quân đội Trung Quốc trong trận đánh với lực lượng của Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu trong chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953).
Mặc dù chính quyền Bình Nhưỡng đã thất bại trong việc chiếm toàn bộ bán đảo Triều Tiên bằng lực lượng quân sự, nhưng Trung Quốc vẫn khoe khoang đó là “cuộc chiến chống sự xâm lược của Mỹ và trợ giúp Triều Tiên” thành công. Các chuyên gia ước tính cái giá phải trả cho cuộc chiến là hơn một triệu người thiệt mạng.
Những người đặt nghi vấn về “Hồ Trường Tân” đều đã “biến mất”
Bộ phim “Hồ Trường Tân” tuyên truyền về tinh thần “chống Mỹ cứu nước” của ĐCSTQ được phát sóng trong kỳ nghỉ lễ dài 1/10, đã vô tình kích phát những hồi tưởng và cảnh tỉnh về chiến tranh Triều Tiên. Không ít người vì tỏ ra nghi ngờ hoặc chỉ trích bộ phim mà đã bị chính quyền trừng phạt; cũng có người nhân đề tài chiến tranh Triều Tiên mà thảo luận về nguyên nhân cái chết của Mao Ngạn Anh, con trai cả của Mao Trạch Đông, cũng đã bị chính quyền “sờ gáy”.
Vào ngày 9/10, cư dân mạng Weibo có tên “Tả hữu đích hữu hữu” đã đăng một bài viết nói: “Thành quả lớn nhất của trận chiến ‘ớn lạnh’ chính là ‘cơm chiên trứng’! Cảm ơn cơm chiên trứng! Không có cơm chiên trứng, chúng ta cũng sẽ không khác gì huyện Tào. Đương nhiên, đáng buồn là hiện tại cũng không khác nhau nhiều lắm!”.
Ngay sau đó, công an quận Tân Kiến, thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây đã triệu tập chủ tài khoản Weibo “Tả hữu đích hữu hữu” vì cho rằng người này đã đăng tải những ngôn luận “sỉ nhục anh hùng liệt sĩ” lên mạng xã hội, sau đó bị tạm giữ hành chính trong vòng 10 ngày.
Trong bài đăng trên, “ớn lạnh” bị nghi ngờ là ám chỉ trận “hàn chiến” trong chiến tranh Triều Tiên; “huyện Tào” chính là chỉ Triều Tiên, còn “cơm chiên trứng” lại liên quan đến cái chết của Mao Ngạn Anh, con trai cả của Mao Trạch Đông.
Weibo chính thức của China Unicom chi nhánh Giang Tô “Jiangsu Unicom”, vào ngày kỷ niệm sinh nhật của Mao Ngạn Anh, cũng đã thu hút sự chú ý của cơ quan kiểm duyệt khi 2 ngày liên tiếp đăng bài viết “làm thế nào để chế biến món cơm chiến trứng”. Hiện tại, tài khoản Weibo “Jiangsu Unicom” đã bị chặn, cảnh sát cũng đã vào cuộc điều tra.
Cư dân mạng Trung Quốc thường lấy hình ảnh “cơm chiên trứng” để chế giễu cái chết của con trai cựu lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông. Ngày 25/11/1950, Mao Ngạn Anh tham gia chiến tranh Triều Tiên đã bị quân đội Mỹ không kích dẫn đến tử vong, nguyên nhân cái chết được cho là có liên quan tới “cơm chiên trứng”.
Mao Ngạn Anh là con trai cả của Mao Trạch Đông với người vợ thứ hai là Dương Khai Huệ. Trong chiến tranh Triều Tiên, Mao Ngạn Anh là thư ký riêng kiêm phiên dịch viên tiếng Nga của Bộ Tư lệnh quân tình nguyện nhân dân Trung Quốc.
Người ta vẫn truyền nhau rằng, ngày hôm đó Mao Ngạn Anh cùng Tham mưu trưởng Cục Tác chiến Cao Thụy Hân và Phó trưởng phòng tác chiến Thành Phổ cùng 3 người khác đã vi phạm quy định phải vào hầm trú ẩn, mà lại ở ngay trong phòng làm việc của Tư lệnh quân tình nguyện Bành Đức Hoài để làm cơm chiên trứng. Trứng gà này là do Bộ Tư lệnh tối cao quân đội nhân dân Triều Tiên phái quân tình nguyện tặng cho Bành Đức Hoài, vào thời điểm đó là khá quý giá. Kết quả là đã giúp máy bay quân sự Mỹ dễ dàng tìm được mục tiêu ném bom.
Nhiều cư dân mạng Trung Quốc thường cảm ơn bát cơm chiên trứng này, cho rằng nó đã giúp Trung Quốc thoát khỏi số phận “kế vị độc tài” như ở Triều Tiên.
Vào ngày 6/10, nhà truyền thông kỳ cựu La Xương Bình đăng bài trên Weibo nói rằng: “Nửa thế kỷ sau, rất ít người Trung Quốc suy nghĩ về tính chính nghĩa của cuộc chiến này. Cũng giống như ‘đại đội điêu khắc cát’ năm đó sẽ không hoài nghi về ‘quyết sách anh minh’ của cấp trên”.
Trong bài viết, La Xương Bình gọi “đại đội điêu khắc băng” trong phim “Hồ Trường Tân” thành “đại đội điêu khắc cát”, ngay lập tức đã bị Cục Cảnh sát thành phố Tam Á, chi nhánh Cát Dương tạm giữ hình sự. Bởi vì chữ “cát” (沙) và “ngu ngốc” (傻) phát âm tương tự, nên cách nói “điêu khắc cát” được cho là có hàm nghĩa xúc phạm.
Ngoài tính hợp pháp trong sự kiện Trung Quốc tham gia chiến tranh Triều Tiên (vốn là cuộc chiến xâm lược Hàn Quốc), thì một số lượng lớn quân tình nguyện đã bị chết cóng trong trận chiến này cũng đã trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi của cư dân mạng. Con số thương vong của quân tình nguyện Trung Quốc trong chiến dịch này ít nhất là hơn 50.000 người, thế nhưng khoảng 30.000 binh sĩ là bị chết cóng, nhiều hơn so với những người bị thương vong do chiến đấu.
Tuệ Tâm (Theo Vision Times)