Việc sử dụng WeChat đã từng khiến cô Lý sống ở Toronto cảm thấy thú vị, nhưng cô không bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó, WeChat đã chiêu mời cảnh sát Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đến cửa nhà mình. Sau khi trải qua những màn tra tấn trên “ghế hổ”, nhắc đến WeChat chỉ khiến cô hồi tưởng đến một nhà tù.
Tờ New York Times đã đăng một bài báo vào ngày 7/9 vạch trần cách mà ĐCSTQ sử dụng WeChat để tiến hành tuyên truyền và quản chế. Bài báo kể về một trải nghiệm đáng sợ của cô Lý sống ở Toronto.
WeChat chiêu mời cảnh sát đến nhà và tra tấn bằng ghế hổ
Năm 2018, cô Lý trở về Trung Quốc làm công việc bất động sản. Sau khi trải qua cuộc sống ở nước ngoài, cô muốn lấy việc chia sẻ tin tức các sự kiện thế giới để thu hút người khác xem các thông tin về công thức nấu ăn của cô.
Vào đầu năm 2020, khi virus Vũ Hán lây lan và mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước trên thế giới trở nên căng thẳng, cô Lý đã đăng một bài báo của Đài Á Châu Tự Do trên WeChat. Nội dung liên quan đến sự xấu đi của quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Canada, bài đăng sau đó đã bị kiểm duyệt và bị xóa.
Ngày hôm sau, 4 nhân viên cảnh sát xuất hiện tại căn hộ của gia đình cô với súng và khiên chống bạo động. Lúc đó, khuôn mặt mẹ cô tái đi vì sợ hãi.
Cảnh sát đã đưa cô Lý cùng điện thoại di động và máy tính của cô đến đồn cảnh sát địa phương và cố định cô trên “ghế hổ” để thẩm vấn. Họ liên tục hỏi về bài báo này và các mối liên hệ ở nước ngoài của cô trên WeChat, sau đó giam cô vào xà lim trong một đêm.
Cô được thả ra 2 lần và sau đó lại bị đưa về đồn cảnh sát để thực hiện một vòng thẩm vấn mới. Một sĩ quan cảnh sát thậm chí còn khẳng định rằng Trung Quốc có quyền tự do ngôn luận khi chất vấn về bài báo mà cô chia sẻ trên mạng. Cô Lý không nói gì, chỉ nghĩ: “Quyền tự do ngôn luận là gì? Có phải nó đang đưa tôi đến đồn cảnh sát, khiến tôi thức trắng đêm và bị tra hỏi về sự tự do của tôi?”.
Cuối cùng, cảnh sát buộc cô ấy phải viết lời thú tội và tuyên thệ ủng hộ ĐCSTQ, sau đó trả tự do cho cô. Trong quá trình thẩm vấn, cảnh sát nói với cô rằng một hệ thống giám sát mà họ gọi là “Thiên võng” đã đánh dấu liên kết mà cô chia sẻ, đây là một trong số những hệ thống mà Bắc Kinh đã chi hàng tỷ đồng để xây dựng.
Vì sợ rơi vào bẫy của hệ thống kiểm duyệt tự động nên cô Lý giờ đây đã cố tình mắc lỗi chính tả khi viết. Cô ấy sẽ không trực tiếp ám chỉ cảnh sát mà sử dụng cách chơi chữ do cô ấy phát minh ra, gọi cảnh sát là “kim xoa”. Cô Lý nói, “WeChat từng rất thú vị”, nhưng bây giờ ứng dụng này khiến cô nhớ đến nhà tù.
Bài báo đề cập rằng mặc dù WeChat có các quy định khác nhau đối với người dùng trong và ngoài Trung Quốc, nhưng nó vẫn là một mạng xã hội thống nhất và duy nhất vượt qua “tường lửa” của Trung Quốc. Theo nghĩa này, nó đã giúp hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc (ĐCSTQ) vươn ra thế giới.
Quản chế cùng uy hiếp
Mẹ của một người Duy Ngô Nhĩ tên Ferkat Jawdat (sống ở nước ngoài) bị ĐCSTQ giam giữ trong một trại cải tạo ở Tân Cương. Bà ấy đã được thả vào mùa hè năm 2019. Cảnh sát đã đưa cho bà một chiếc điện thoại di động và đăng ký cho bà một tài khoản trên WeChat. Khi liên lạc với con trai, bà đã khen ngợi ĐCSTQ.
Sau đó, cảnh sát đã tìm thấy Jawdat, họ đã gửi cho anh một lời mời kết bạn ẩn danh qua WeChat. Khi anh ta nhận lời, một người đàn ông tự giới thiệu là quan chức cấp cao của lực lượng an ninh nơi có trại cải tạo ở vùng Tân Cương, Trung Quốc.
Người này đã đưa ra một đề xuất, nếu Jawdat (một công dân Hoa Kỳ và nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ) có thể ngừng việc nâng cao nhận thức về các trại tị nạn, thì mẹ anh ta có thể nhận được hộ chiếu và được phép đoàn tụ với gia đình ở Hoa Kỳ.
“Đây là một loại uy hiếp”, anh ta nói. “Tôi đã im lặng trong hai hoặc ba tuần, chỉ để xem ông ta sẽ làm gì”.
Mặc dù Jawdat đã từ chối một cuộc phỏng vấn truyền thông và bỏ lỡ một sự kiện phát biểu, nhưng lời hứa của ĐCSTQ đã không được thực hiện. Jawdat đối chất với người đàn ông kia nhưng đã bị hắn uy hiếp.
Báo cáo cho biết những tình huống tương tự đã xảy ra trên khắp thế giới và chỉ ra rằng ứng dụng trò chuyện này đã trở thành một kênh để lực lượng an ninh Trung Quốc đưa ra những lời đe dọa đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Tài liệu từ FBI cho thấy, Đại sứ quán Trung Quốc đã thông qua WeChat để liên lạc với các nhà nghiên cứu quân sự Hoa Kỳ nhằm đánh cắp thành quả nghiên cứu khoa học. ĐCSTQ sử dụng nó để duy trì liên lạc và tổ chức các thành viên ở nước ngoài, bao gồm cả việc trao đổi du học sinh.
Chính phủ Hoa Kỳ đã đề xuất chặn trực tiếp WeChat và ứng dụng video ngắn TikTok của Trung Quốc. Jawdat nói rằng có rất nhiều con cái của các quan chức ĐCSTQ ở Hoa Kỳ, và WeChat phải là một trong những công cụ để họ giữ liên lạc. Cấm WeChat sẽ khiến họ cảm thấy đau đớn khi mất liên lạc với gia đình. Anh nói “Tôi không biết đây là quả báo hay công lý đã được thực hiện”.
Gia Hưng (Theo SOH)