Nhân 30 năm sự kiện chính quyền Trung Quốc đàn áp người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn, cựu hoa hậu người Canada gốc Hoa Anastasia Lin đã lên tiếng cho tự do và nhân quyền của người dân quê hương cô.
Anastasia Lin nói gì về Trung Quốc
Tôi sinh ra ở Trung Quốc vào ngày 1 tháng 1 năm 1990, 6 tháng sau vụ thảm sát Thiên An Môn. Thông tin về sự kiện được kiểm duyệt nghiêm ngặt, cho nên mãi đến khi di cư đến Canada năm 13 tuổi, tôi mới biết về sự kiện này.
Rốt cuộc thì tôi cũng đã được xem video về vụ thảm sát. Tôi vô cùng xúc động. Đã nhận ra trong lòng mình một thứ gọi là tinh thần quốc gia mà hồi giờ tôi không hề biết về sự tồn tại của nó. Tôi không rõ lúc đó người dân Trung Quốc có thể đủ nghị lực để thúc đẩy tự do dân chủ hay không. Tuy nhiên, họ rất nhiệt tình về tương lai của đất nước và hy vọng rằng chính phủ sẽ lắng nghe họ. Không vì lẽ gì có thể ngờ rằng họ sẽ bị đàn áp. Cả đời họ đã được giáo dục để tin tưởng nhà nước, tin tưởng vào Đảng Cộng sản, tin tưởng vào chế độ. Và họ đã làm như vậy – cho đến khi họ bị súng đạn bắn vào người và chứng kiến xe tăng lao vào quảng trường.
Không có gì ngạc nhiên khi thế hệ của cha mẹ tôi – những người chứng kiến vụ việc tàn bạo này – không bao giờ kể lại với tôi. Sau đó, các vụ bắt giữ, bức hại bạn học và đồng nghiệp của những người tham gia phong trào đã khiến trái tim họ sợ hãi và vỡ mộng. Hy vọng của họ cho dân chủ và tự do nhường chỗ cho sự hoài nghi. Chính phủ cộng sản đã thay thế sự vô vọng bằng lòng tham, họ ra sức thúc đẩy chủ nghĩa thương mại và tôn thờ tiền bạc. Trung Quốc ngày nay đã mất đi linh hồn và liêm sỉ. Người ta làm mọi giá để có được lợi ích. Đó là những gì xảy ra với một thế hệ mất đi niềm tin và hy vọng.
Chính quyền cộng sản Trung Quốc phải đối mặt với một số hậu quả của vụ thảm sát. Hoa Kỳ và châu Âu đã lên án vụ thảm sát và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, nhưng hầu hết các biện pháp cuối cùng đã được nới lỏng. Phương Tây sớm quay lại với niềm tin rằng Trung Quốc có thể được xoa dịu – rằng sự thịnh vượng thương mại và kinh tế sẽ dẫn đến sự tự do hóa chính trị. Nhưng không có ích gì. Và Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng học được rằng họ có thể bắt giữ, tra tấn và giết hại những công dân vô tội đang bất lực.
Ngày nay vô số công dân Trung Quốc vô tội vẫn bị bức hại. Nhiều tù nhân lương tâm phải bỏ mạng trong các nhà tù và trại lao động. Hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị tống giam, hàng ngàn người bị tra tấn đến chết, số lượng những người bị giết để lấy nội tạng phục vụ cho phẫu thuật cấy ghép không kể xiết. Hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại các trại tập trung ở Tân Cương. Các vụ bắt giữ và giết hại luật sư nhân quyền và gia đình họ chứng minh chính quyền này không tôn trọng luật pháp.
Bởi vì Trung Quốc là thị trường rất rộng lớn, một số người cho rằng chủ nghĩa thực dụng đòi hỏi chúng ta [các nước phương Tây] phải gác lại các nghĩa vụ đạo đức và pháp lý vì lợi ích thương mại. Nhưng nếu chính phủ Trung Quốc coi thường các quyền lợi của chính người dân của họ, thế thì vì lẽ gì các tập đoàn và các quốc gia phương Tây lại còn mong muốn được họ đối xử một cách trung thực và đứng đắn?
Trung Quốc không có luật pháp và không có tiêu chuẩn nghiêm túc nào về lao động, an toàn và môi trường. Họ sử dụng lao động nô lệ trên quy mô lớn. Bản thân người dân Trung Quốc không tin tưởng vào chất lượng hay độ an toàn của sản phẩm trong nước. Các công ty phương Tây ngày càng nói rằng Trung Quốc là một môi trường thù địch đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ đã khiến các công ty nước ngoài tốn hàng tỷ đô la. Và một số công ty Trung Quốc, có mối quan hệ với chính phủ hoặc quân đội, cho thấy họ là các mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng đối với các quốc gia nước ngoài.
Với bản chất là kẻ bắt nạt, Đảng Cộng sản Trung Quốc thượng tôn sức mạnh. Điều đó có nghĩa là các quốc gia phương Tây có nhiều đòn bẩy hơn họ nghĩ. Nhưng chúng ta chưa làm đủ. Chúng ta chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đạo đức và pháp lý của mình. Mặc dù kẻ thủ phạm phải chịu trách nhiệm cho những tội ác mà họ gây ra, chúng ta cũng cần phải tự hỏi bản thân rằng liệu chúng ta có đồng lõa với họ hay không.
Với bản chất chế độ độc tài, Bắc Kinh cố gắng làm dấy lên lo ngại rằng việc những người nước ngoài can thiệp vào những vi phạm nhân quyền thô thiển này là sự can thiệp vào chủ quyền quốc gia. Nhưng người Trung Quốc không phải là một chủng tộc tách biệt, và các thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc phải nghe theo tiếng gọi của lòng nhân đạo. Đừng tin rằng việc đứng lên đòi nhân quyền chính là “áp đặt các giá trị phương Tây” lên văn hóa Trung Quốc. Là người gốc Trung Quốc, tôi có thể nói với các bạn rằng người Trung Quốc cũng khao khát tự do và công bằng như bất kỳ ai trong số các bạn. Cũng giống như các bạn, người Trung Quốc không muốn bị tra tấn.
Tôi chân thành hy vọng rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ là một quốc gia thịnh vượng, hòa bình và tự do. Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố tôi không phải là một đại sứ được chấp thuận, nhưng tôi vô cùng yêu quê hương mình và tôi lấy làm an ủi rằng chắc chắn không có nhà nước độc tài độc đảng nào có thể tồn tại mãi mãi.
Một ngày nào đó, sự thay đổi sẽ đến với Trung Quốc, và nó phải đến từ chính người dân Trung Quốc – như đã từng xảy ra tại Thiên An Môn 30 năm trước. Nhưng tôi hy vọng những người nước ngoài cũng sẽ đóng vai trò nhất định. Khi người dân Trung Quốc cuối cùng được tự do đối đầu với tội ác của Đảng Cộng sản, họ không cần phải buộc tội phương Tây đồng lõa.
Anastasia Lin là một diễn viên, nhà hoạt động nhân quyền và cựu Hoa hậu Thế giới Canada. Cô là đại sứ về Chính sách Canada-Trung Quốc cho viện nghiên cứu độc lập Macdonald-Laurier.
Tại Diễn đàn Tự do Oslo đầu tiên ở Johannesburg năm 2018, cô đã thảo luận về cách cô ấy hành động để nhiều người chú ý đến những vi phạm quyền này hơn – đặc biệt là cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công – và việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng đến lục địa châu Phi.
Video: Hoa Hậu Thế Giới Anastasia Lin Nói Gì Về Trung Quốc? [2016]
Xuân Nhạn (Theo MacdonaldLaurier.ca)