Tinh Hoa

Hồ sơ Panama: Hãng luật Mossack Fonseca nói bị tấn công dữ liệu từ bên ngoài

Luật sư của Mossack Fonseca cho biết hãng luật là nạn nhân của hành động đột nhập dữ liệu từ bên ngoài và đã đệ đơn khiếu nại để xử lý sau vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” gây chấn động.

Ông Ramon Fonseca trả lời phỏng vấn ngày 5/4 tại trụ sở chính công ty tại thành phố Panama. (ảnh: Reuters)

“Chúng tôi loại trừ nguyên nhân nội bộ. Đây không phải là sự rò rỉ mà là hành động đột nhập và đánh cắp dữ liệu”, luật sư Ramon Fonseca, đồng sáng lập Mossack Fonseca, trả lời trong buổi phỏng vấn với Reuters ngày 5/4. Ông nhấn mạnh hãng luật chỉ là nạn nhân của âm mưu tấn công từ bên ngoài.

Trong cuộc phỏng vấn, luật sư của công ty khẳng định Mossack Fonseca không vi phạm luật và tất cả các hoạt động của công ty đều hợp pháp. Hãng luật chưa bao giờ huỷ tài liệu, hỗ trợ bất kỳ ai trốn thuế hay rửa tiền.

Theo luật sư này, nguồn dữ liệu email của công ty mà Hiệp hội Phóng viên điều tra Quốc tế (ICIJ) và các tổ chức truyền thông khác công bố cách đây không lâu đã bị “đưa ra khỏi bối cảnh” và hiểu sai. Công ty đã đệ đơn khiếu nại lên văn phòng Tổng Chưởng lý để giải quyết và một cơ quan chính phủ đang nghiên cứu vấn đề này.

Chính phủ các nước đang bắt tay vào hoạt động điều tra sau khi báo Đức Süddeutsche Zeitung tiết lộ về 11,5 triệu tài liệu liên quan đến các hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của các cá nhân, tổ chức, từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015. Giới truyền thông quốc tế gọi chúng là “Tài liệu Panama” (Panama Papers).

Những thông tin mới rò rỉ bao gồm 4,8 triệu email, 2,5 triệu bộ hồ sơ, với khoảng 2,6 terabyte dữ liệu được lấy từ hệ thống nội bộ của hãng luật Mossack Fonseca. Đây được đánh giá là vụ rò rỉ thông tin quy mô lớn chưa từng có, vượt qua cả các vụ việc liên quan đến Wikileaks hay cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden.

Công ty luật Mossack Fonseca, tâm điểm của những tài liệu mật vừa rò rỉ, là nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài lớn thứ tư thế giới. Hãng này từng cung cấp dịch vụ cho hơn 300.000 công ty. Mossack Fonseca có trụ sở ở Panama nhưng hoạt động trên toàn thế giới, với hệ thống 600 người tại 42 quốc gia. Hãng có hoạt động ở các “thiên đường trốn thuế” như Thuỵ Sĩ, Cyprus, và quần đảo Virgin thuộc Anh.

Hồ sơ Panama đã làm một loạt chính phủ lao đao. Thủ tướng Iceland ngày 5/4 tuyên bố từ chức sau sức ép dữ dội từ người dân và đảng đối lập, do ông và vợ có tên trong vụ rò rỉ thông tin này. Thủ tướng Anh David Cameron cũng đang phải đối mặt với sức ép về nghi vấn tài chính của người cha quá cố.

Theo news.zing.vn