Hồ sơ nhân quyền của chính quyền Trung Quốc vừa bị Chủ tịch Ủy ban Điều hành Quốc hội Mỹ về Trung Quốc xem là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” ngay khi cơ quan này phát hành báo cáo thường niên năm 2016.
Năm 2001, Hoa Kỳ giúp Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO với kỳ vọng Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ sắp xếp cơ cấu của mình phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Gần 15 năm sau, Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Nhưng Đảng cũng đã đẩy nhân quyền và nguyên tắc pháp trị của nước này tụt dốc nghiêm trọng, theo báo cáo thường niên mới đây của Ủy ban Điều hành Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CCEC).
“Hồ sơ về nhân quyền của chính phủ Trung Quốc là hoàn toàn không thể chấp nhận được”, Chủ tịch CECC, Chris Smith nói: ”Đây là thời kỳ đen tối đối với những nhà hoạt động nhân quyền, những người bất đồng chính kiến và những người bảo vệ lẽ phải tại Trung Quốc khi họ phải đối mặt với các cuộc đàn áp ngày càng leo thang và điều kiện một lần nữa xấu đi trong năm 2015”.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói trong một bài phát biểu: ”Trung Quốc trên thực tế đã sử dụng hệ thống luật lệ quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ,nhưng lại không ngừng hạn chế sự tự do của người dân và gia tăng đàn áp trong nước”.
Báo cáo dài 346 trang do Ủy ban lập pháp thượng viện thuộc lưỡng đảng phát hành cũng kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đến 19 vấn đề ở Trung Quốc hiện nay, bao gồm cuộc đàn áp đối với các luật sư nhân quyền, lạm dụng bạo lực đối với người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ và người tị nạn Bắc Triều Tiên, gây áp lực chính trị đối với đặc khu Hồng Kông “một quốc gia hai chế độ”, ô nhiễm môi trường và đàn áp các nhóm tôn giáo.
Vấn đề nổi cộm của tình trạng vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc là cuộc bức hại nghiêm trọng của chính phủ nước này lên một môn tu luyện thể chất và tinh thần cổ xưa. Báo cáo của CECC lưu ý rằng các học viên Pháp Luân Công vẫn đang phải đối mặt với tình trạng “tiếp tục bị quấy rối và lạm dụng” sau chiến dịch đàn áp mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc phát động năm 1999.
Theo báo cáo này, “các tổ chức nhân quyền ghi nhận những hành vi cưỡng chế và bạo lực đối với học viên Pháp Luân Công trong quá trình giam giữ như: Sốc điện, cấm ngủ, bỏ đói, cưỡng bức ăn uống, cưỡng bức dùng thuốc, đánh đập, lạm dụng tình dục và cưỡng chế ký nhận các cam kết”.
Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho học viên Pháp Luân Công cũng nằm trong mục tiêu của cuộc đàn áp này. Luật sư Zhang Zanning đã bị quấy rối vào tháng 11/ 2015, luật sư nhân quyền nổi tiếng Wang Yu đã chính thức bị bắt giữ vào tháng 5/2016. Chính phủ nước này cũng vẫn giới hạn các động thái của luật sư Gao Zhisheng, một trong những luật sư nhân quyền đầu tiên bảo vệ học viên Pháp Luân Công.
Trong bài phát biểu, ông Smith cho biết, ”học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác đã trở thành nạn nhân của tội ác khủng khiếp, mổ cướp nội tạng”, trong khi báo cáo của CECC cũng hoài nghi về những tuyên bố gần đây của Trung Quốc rằng chế độ này đã ngừng sử dụng nội tạng từ các tù nhân.
Hôm 13/6 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết 343 yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức cuộc đàn áp Pháp Luân Công và hoạt động mổ cướp nội tạng. Đây là một cuộc bức hại lên chính tín lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Báo cáo mới nhất của CECC “không thể phủ nhận về một bức tranh ảm đạm của sự suy thoái nhân quyền và pháp quyền ở Trung Quốc”, Thượng nghị sĩ Rubio cho biết.
Ông nói tiếp: “Bất chấp quan hệ thương mại giữa 2 nước, Hoa Kỳ sẽ đứng về phía các nhà cải cách và bất đồng chính kiến đồng thời nhấn mạnh rằng Chính phủ Trung Quốc và Đảng Cộng sản phải tôn trọng những quyền cơ bản của con người và duy trì quy định của pháp luật, như chúng ta mong đợi ở bất kỳ Quốc gia nào”.
Theo The Epoch Times