Tinh Hoa

Hình ảnh về sự tan băng ở Bắc Cực trong suốt 27 năm qua

Bằng việc sử dụng các dữ liệu chụp từ vệ tinh trong suốt 27 năm qua, cơ quan quản lý đại dương và khí quyển Hoa Kỳ đã tái hiện hình ảnh về sự tan băng ở Bắc Cực. Qua đó chúng ta sẽ có cái nhìn trực quan sinh động về sự thay đổi này.

Hình ảnh về lớp băng ở Bắc Cực vào khoảng tháng 3/1987.

Hậu quả nghiêm trọng nhất của việc nhiệt độ Trái đất đang tăng lên chính là khiến cho băng tại hai cực bị tan chảy, từ đó dẫn đến việc mực nước biển tăng cao. Tuy nhiên, để giúp mọi người hình dung rõ hơn về tình trạng này, cơ quan quản lý đại dương và khí quyển Hoa Kỳ (National Oceanic and Atmospheric Administration) đã tái hiện việc Bắc Cực biến mất dần do băng tan qua một hình ảnh động.

Hình ảnh này được tạo ra dựa trên dữ liệu chụp từ vệ tinh trong 27 năm qua. Băng tại Bắc Cực được hình thành nhiều nhất vào khoảng tháng 3 (mùa đông) và tan nhiều nhất vào tháng 9 (mùa hè).

Trong hình ảnh trên, màu xanh thể hiện lớp băng mới được hình thành trong mùa đông. Trong khi đó, màu trắng thể hiện lớp băng đã có từ lâu đời, lớp băng này không bị tan chảy vào mùa hè. Tuy nhiên, do hiện tượng nóng lên toàn cầu, một phần lớp băng lâu đời này đã bị tan chảy và khiến cho Bắc Cực đang dần biến mất.

Chúng ta cũng có thể thấy lớp băng bị tan chảy sẽ di chuyển vào vùng biển Bắc Băng Dương thông qua eo biển Fram, phía đông của Greenland.

Còn đây là hình ảnh về lớp băng này vào tháng 4/2014.

Bên cạnh đó số lượng băng được hình thành vào mùa đông cũng đã giảm bớt nhiều, tính đến năm 2014, lớp băng mới đã giảm tới 78% so với các năm trước đó.

Dưới đây là video giúp bạn có thể quan sát một cách trực quan, rõ ràng và sinh động về sự tan băng này.

Theo GK