Tinh Hoa

Hillary Clinton đắc cử tổng thống Mỹ sẽ ảnh hưởng gì đến châu Á?

(TNO) Tạp chí chuyên về châu Á – Thái Bình Dương The Diplomat, có trụ sở tại Tokyo (Nhật), vừa đăng tải bài xã luận phân tích đường lối ngoại giao đối với khu vực châu Á của bà Hillary Clinton, ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ ra tranh cử chức tổng thống Mỹ trong năm 2016.

Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, ứng viên tổng thống Mỹ hàng đầu của đảng Dân chủ – Ảnh: Reuters

Trong nhiệm kỳ làm ngoại trưởng Mỹ từ năm 2009 đến năm 2013, Hillary Clinton được đánh giá là ngoại trưởng giàu kinh nghiệm nhất trong các chính sách đối ngoại, đặc biệt là ở châu Á.

Ông Michael Fullilove, giám đốc điều hành Viện chính sách quốc tế danh tiếng Lowy (Úc), nhận xét: “Chính sách chính là thành tựu ngoại giao nổi bật của bà Clinton trong thời gian làm ngoại trưởng…”.

Trong một bài phân tích lớn đăng trên tạp chí quốc phòng Foreign Policy (Mỹ) hồi năm 2011, chính bà Hillary Clinton đã vạch ra chính sách ban đầu được biết đến như chiến lược “xoay trục” về châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ (sau này được gọi là “chiến lược tái cân bằng”).

Trước đó, bà Hillary Clinton cũng đã sử dụng thuật ngữ “xoay trục” và thực tế là cựu ngoại trưởng cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có nhiều chuyến công du châu Á – Thái Bình Dương trước đó 2 năm, triển khai cái mà trong năm 2010 bà gọi là chính sách ngoại giao “tiên phong”.

“Châu Á – Thái Bình Dương đã trở thành nơi lèo lái chủ chốt cho nền chính trị toàn cầu” và “cam kết của Mỹ tại đó cực kỳ quan trọng và cần thiết”, bà Clinton viết trong bài phân tích trên Foreign Policy.

Nữ cựu ngoại trưởng Mỹ cũng đã từng phân chiến lược tái cân bằng tại châu Á của Mỹ thành 3 thành phần chính: “Chúng ta đang thực hiện chính sách can thiệp mạnh mẽ vào châu Á – Thái Bình Dương, chúng ta đang tiến hành xây dựng lòng tin giữa Trung Quốc và Mỹ, và chúng ta cam kết mở rộng hợp tác kinh tế, chính trị và an ninh ở bất kỳ đâu mà ta có thể”.

Bà Hillary Clinton nhận định Mỹ và Trung Quốc “là 2 quốc gia phức tạp và có lịch sử rất khác biệt, với hệ thống chính trị và tầm nhìn khác nhau sâu đậm” và trong khi điều này không nhất thiết gây cản trở cho hợp tác giữa 2 nước, sự hợp tác của 2 bên cũng không cần thiết phải cản trở sự cạnh tranh giữa 2 quốc gia.

Mặc dù có một số lượng đáng kể người Mỹ dường như chẳng biết gì về các giữa Trung Quốc và các nước láng giềng (một cuộc khảo sát tiến hành hồi tháng 4 của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy 39% người Mỹ được hỏi hoàn toàn không biết gì về những tranh chấp này), bà Clinton hiểu rất rõ về chúng, cũng như về những xung đột khác tại châu Á, theo The Diplomat.

Đây cũng là mảng để cho thành phần thứ nhất và thứ 3 trong “chính sách tái cân bằng” mà bà đã vạch ra lúc đầu phát huy tác dụng, đó là can thiệp sâu vào trong khu vực và tăng cường hợp tác để giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu về kinh tế, chính trị và an ninh, The Diplomat bình luận.

Trong phát biểu hồi năm 2010, được đưa ra sau cuộc gặp với các bộ trưởng ASEAN, bà Hillary Clinton đã thể hiện quan điểm của Mỹ về các vấn đề tại biển Đông khi tuyên bố “Mỹ, cũng giống như mọi quốc gia khác, có quyền lợi về tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế tại biển Đông”.

“Mỹ ủng hộ đường lối hợp tác ngoại giao để giải quyết các tranh chấp chủ quyền không bằng dọa nạt của tất cả các bên liên quan. Chúng tôi phản đối việc đe dọa bằng vũ lực. Mặc dù Mỹ không đứng về phía nào trong các tranh chấp chủ quyền tại biển Đông, nhưng chúng tôi cho rằng các bên liên quan nên theo đuổi các tuyên bố chủ quyền của mình và tôn trọng các quyền hàng hải đi kèm theo Công ước biển của Liên Hiệp Quốc”, bà nói thêm.

Bà Hillary Clinton ký kết một thỏa thuận hợp tác với các ngoại trưởng khối ASEAN tại một sự kiện ở Hà Nội hồi tháng 7.2010 – Ảnh: Reuters

Hồi đầu năm 2009, bà Clinton đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong vai trò là ngoại trưởng Mỹ. Trong chuyến công du này, bà đã gặp gỡ Tổng thư ký ASEAN thời bấy giờ là tiến sĩ Surin Pitsuwan, người đánh giá chuyến thăm của bà “cho thấy chính quyền Mỹ thực sự muốn chấm dứt sự vắng mặt về ngoại giao của mình trong khu vực”.

Còn trong bài phát biểu nhân chuyến thăm châu Á, bà Hillary Clinton thừa nhận có biết về sự hoài nghi của các nước trong khu vực đối với cam kết của Mỹ.

“Chúng tôi đã lắng nghe tâm tư của bạn bè ASEAN. Họ bày tỏ quan ngại rằng Mỹ đã không có hoàn toàn can thiệp vào khu vực tại thời điểm mà chúng tôi nên mở rộng các quan hệ đối tác để giải quyết các thách thức, từ an ninh khu vực đến khủng hoảng kinh tế, thay đổi khí hậu và nhân quyền”, nữ ngoại trưởng Mỹ khi đó tuyên bố.

The Diplomat bình luận rằng các đối tác của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn đang hoài nghi về các cam kết của cường quốc này, còn Trung Quốc vẫn tiếp tục cho rằng chiến lược “tái cân bằng” chẳng qua là để kiềm chế họ.

Vị tổng thống Mỹ được bầu ra sắp tới sẽ phải quyết định nên làm gì với chính sách “tái cân bằng”, đang bị đánh giá là “dang dở giữa chừng” trong bối cảnh Mỹ đang bận rộn đối phó với tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), đàm phán hạt nhân Iran và cuộc khủng hoảng tại Ukraine, The Diplomat nhận định.

“Vấn đề gây tranh cãi không phải là việc châu Á đang trở thành khu vực quan trọng, mà là tổng thống mới của Mỹ nên có chính sách gì với việc đó”, The Diplomat bình luận.

“Liệu bà Hillary Clinton có tiếp tục theo đuổi chiến lược tái cân bằng hay không là một câu hỏi đáng được đặt ra trong lúc bà đang chạy đua vào Nhà Trắng”, The Diplomat kết luận.

Hoàng Uy

Theo Thanh Niên