Bộ Ngoại Giao mới đây đã ra lưu ý đối với ngư dân thực hiện các hoạt động khai thác kinh tế trên Vịnh Bắc Bộ liên quan đến hoạt động đánh bắt cá trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, rằng Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc bộ Việt Nam – Trung Quốc đã hoàn toàn kết thúc vào ngày 30/6/2020.
Cụ thể, báo Thế giới và Việt Nam – Cơ quan ngôn luận của bộ ngoại giao thông tin:
“Sau 01 năm duy trì các hoạt động nghề cá của ngư dân hai nước theo thỏa thuận của hai chính phủ theo Hiệp định, đến ngày 30/6/2020 Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam – Trung Quốc đã hoàn toàn kết thúc hiệu lực.
Điều này đồng nghĩa với việc Vùng đánh cá chung và Vùng đệm cho tàu cá nhỏ mà tàu cá, ngư dân mỗi bên vẫn ra vào hoạt động khi được cấp giấy phép đánh bắt trong 16 năm qua đã không còn tồn tại.
Theo đó, sau thời gian 30/6/2020, tàu cá, ngư dân Việt Nam sẽ không được phép tiến hành hoạt động đánh bắt sang phía Đông của đường phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Vịnh Bắc Bộ (đi qua 21 điểm, xuất phát từ cửa sông Bắc Luân đến đường đóng cửa Vịnh Bắc Bộ- tức Đường nối mũi Oanh Ca và đảo Cồn Cỏ).
Ngược lại, tàu cá, ngư dân Trung Quốc cũng không được phép thực hiện hoạt động đánh bắt sang phía Tây của đường này cho đến khi hai nước đạt được thỏa thuận về cơ chế và mô hình hợp tác mới trong lĩnh vực nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ.
Đối với các tàu cá cố tình vi phạm, các lực lượng thực thi pháp luật của hai bên hoàn toàn có quyền áp dụng những biện pháp xử lý phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế và pháp luật của mỗi nước.”
Việc cấm khai thác xâm lấn qua đường phân định Vịnh Bắc Bộ sẽ kéo dài cho đến khi hai bên xác định một cơ chế hợp tác mới trong tương lai.
Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc bộ Việt Nam – Trung Quốc
Liên quan đến Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc bộ Việt Nam – Trung Quốc, được biết Hiệp định này ra đời vào ngày 25/12/2000 và chính thức có hiệu lực vào ngày 30/6/2004. Đây là một Hiệp định có ý nghĩa quan trọng đối với bà con ngư dân 9 tỉnh, thành phố dọc chiều dài khoảng 763km ven vùng biển Vịnh Bắc bộ nói riêng và ngư dân cả nước nói chung.
Theo đó, hai bên đã nhất trí hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ bằng việc thiết lập một Vùng đánh cá chung.
Phạm vi Vùng đánh cá chung trong vịnh Bắc Bộ từ vĩ tuyến 20°Bắc xuống đường đóng cửa Vịnh, bề rộng là 30,5 hải lý kể từ đường phân định về mỗi phía; có tổng diện tích là 33.500 km², khoảng 27,9% diện tích Vịnh. Vùng đánh cá chung cách bờ của mỗi nước là 30 hải lý: đại bộ phận cách bờ của Việt Nam 35 – 59 hải lý, có hai điểm cách bờ 28 hải lý là ở Mũi Ròn thuộc tỉnh Hà Tĩnh và Mũi Độc thuộc tỉnh Quảng Bình.
Nội dung hiệp định quy định, trong vùng đặc quyền kinh tế của nước nào thì nước đó có quyền kiểm tra, kiểm soát và xử lý các tàu cá được phép vào vùng đánh cá chung; sản lượng và số lượng tàu thuyền được phép vào vùng đánh cá chung là dựa trên nguyên tắc bình đẳng, căn cứ vào sản lượng được phép đánh bắt, được xác định thông qua điều tra định kỳ; mỗi bên đều có quyền liên doanh hợp tác đánh cá với bên thứ ba trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Hai bên thỏa thuận lập Uỷ ban Liên hợp nghề cá để xây dựng quy chế và thực hiện việc quản lý Vùng đánh cá chung (Phạm vi cụ thể của Vùng đánh cá chung là vùng nước nằm trong các đoạn thẳng tuần tự nối liền các điểm trong hình).
Cùng với Vùng đánh cá chung này, Hiệp định còn xây dựng các nguyên tắc về Vùng dàn xếp quá độ và Vùng đệm cho tàu cá nhỏ.
Ngày 27/8/2019, sau 12 năm chính thức có hiệu lực và 3 năm tự động gia hạn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 60/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương gia hạn 1 năm “Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc bộ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa” tính từ ngày 1/7/2019, và đến ngày 30/6 vừa qua thì chính thức hết hiệu lực.
Từ Thức (t/h)