Tinh Hoa

Hiện tượng thú vị ếch sống trên lưng trâu đến nay khoa học chưa thể giải thích

Mới đây, các nhà khoa học đã công bố một hiện tượng có một không hai trên loài trâu Alatoni khi chúng cõng trên mình từ 5-25 con ếch. Đáng chú ý là đến gần đây họ mới biết hiện tượng này phổ biến đến thế nào, và vẫn chưa đưa ra được lời giải thích thực sự rõ ràng.

Mỗi con trâu cõng trên mình từ 5-25 con ếch. (Ảnh: NIZAMETTIN YAVUZ)

Vào mùa thu, các nông dân ở bờ biển Đen thường chăn thả những con trâu Alatoni gần đầm lầy, tại đây những con ếch nhỏ sẽ đu bám trên mình chúng, một nghiên cứu mới đây công bố.

Các nhà khoa học đã nhận thấy hiện tượng kỳ lạ nhưng không kém phần thú vị này trong một chuyến khảo sát thực địa tại khu vực đồng bằng Kizilirmak của Thổ Nhĩ Kỳ.

Một số loài chim đậu trên các động vật có vú lớn, như tê giác, ngựa vằn, gia súc… nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học mô tả mối quan hệ giữa động vật lưỡng cư và động vật có vú lớn.

Ban đầu, mọi người cho rằng hai loài vật này chẳng có gì liên quan với nhau. Tuy nhiên sau khi quan sát vào mùa thu năm sau, nhà sinh thái học Piotr Zduniak đến từ ĐH Mickiewicz (Ba Lan) cùng các đồng nghiệp nhận thấy hiện tượng này hóa ra phổ biến hơn họ tưởng.

Thông thường, một con trâu sẽ có khoảng 2 – 5 con ếch bám trên đó. Cá biệt hơn, có 1 trường hợp “nuôi” tới 27 con ếch.

Theo ông Zduniak – chủ nhiệm nghiên cứu, hiện tượng này dường như có chủ đích khá quan trọng về mặt sinh học. “Ếch bám trên lưng trâu có thể cũng tương tự như hiện tượng chim đậu trên các loài thú lớn“.

Nguyên nhân cụ thể đứng sau hiện tượng này hiện vẫn chưa được làm rõ. Tuy vậy, Zduniak cho rằng đây là mối quan hệ cộng sinh.

Về cơ bản, ếch ăn côn trùng, còn cơ thể trâu vốn là nơi rất nhiều loài côn trùng trú ẩn. Chọn bám trên lưng trâu, ếch có một nguồn thức ăn dồi dào, trong khi trâu cũng chẳng lo về lũ sâu bọ khó chịu đang lẩn khuất trên cơ thể.

Lý do ếch sống trên lưng trâu có thể là để ăn côn trùng. (Ảnh: NIZAMETTIN YAVUZ)

Các nhà khoa học còn đưa ra một số giả thuyết khác nữa, như việc ếch lợi dụng trâu để sưởi ấm chẳng hạn. “Động vật có vú ấm áp giống như lò sưởi cho loài lưỡng cư máu lạnh, điều này có thể rất quan trọng khi nhiệt độ môi trường xung quanh xuống thấp“.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng nghi ngờ mối quan hệ này. Theo Judith Bronstein – nhà sinh thái học tại ĐH Arizona, bà không tin hiện tượng này là cộng sinh.

Cộng sinh thường là khi một loài nhận dọn dẹp ký sinh trùng cho loài kia – như một số loài cá nhỏ thường theo đuôi cá lớn. Nhưng nếu phải đặt cược, tôi sẽ chọn việc đây không phải là cộng sinh“.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Acta Herpetologica.

TinhHoa tổng hợp