Ngứa là hiện tượng mà ai cũng từng gặp phải, hơn nữa không ít người từng trải qua tình trạng càng gãi càng ngứa mà không hiểu vì sao. Hóa ra phía sau hiện tượng tưởng bình thường này lại là những vấn đề khá phức tạp về não và các dây thần kinh.
Cảm giác ngứa
Theo nghiên cứu khoa học, cảm giác ngứa có thể xuất hiện chỉ sau một cái chạm nhẹ vào cơ thể. Khi đó, tay chúng ta sẽ có phản xạ chạm vào chỗ ngứa. Hành động này thực chất là cách mà cơ thể phản xạ để tự bảo vệ trước những tác động từ môi trường xung quanh. Dĩ nhiên, nói như thế không có nghĩa là bất cứ thứ gì chạm vào cơ thể sẽ khiến ta có phản xạ gãi ngay lập tức.
Việc một số vật chạm vào cơ thể nhưng không hề gây cảm giác ngứa được lý giải do một nhóm tế bào chuyên biệt nằm trong cột sống và hoạt động như một cánh cửa giữa da và não. Những tế bào này có nhiệm vụ ức chế thông báo cảm giác ngứa đến não bộ.
Ngứa mãn tính (Chứng rối loạn ngứa kinh niên)
Nghiên cứu thử nghiệm trên chuột cho thấy những con chuột thiếu nhóm tế bào đặc biệt này thường xuyên bị ngứa và thậm chí cảm giác ngứa mạnh đến nỗi chúng đã tự dứt đứt lông trên cơ thể trong khi gãi.
Đây cũng là biểu hiện của chứng rối loạn ngứa kinh niên. Số liệu cho thấy có đến khoảng 8,4% dân số trên thế giới mắc bệnh này và nguyên nhân một phần thiếu hụt tế bào ấy. Phát hiện này sẽ góp phần tìm ra phương pháp điều trị cho người bị rối loạn trong tương lai.
Vì sao càng gãi càng ngứa?
Hành động gãi ngứa tạo ra cơn đau nhẹ trên da. Những cơn đau này có thể xen vào tình trạng ngứa, ít nhất mang tính tạm thời, bằng cách khiến các tế bào thần kinh trong tủy sống chuyển tải các tín hiệu về cơn đau, thay vì các tín hiệu ngứa, tới bộ não.
Vấn đề là, khi bộ não nhận các tín hiệu về cơn đau như trên, nó phản ứng bằng cách sản sinh chất dẫn truyền thần kinh serotonin nhằm giúp kiểm soát cơn đau đó. Serotonin lan truyền ngược lại từ não vào tủy sống và tác dụng của nó có thể “chệch khỏi đường ray”, ức chế các tế bào chuyên biệt đã nhắc tới ở trên làm tình trạng ngứa trầm trọng hơn.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã tạo ra một giống chuột thiếu các gen sản sinh serotonin. Khi những con chuột biến đổi gen này được tiêm một chất bình thường vẫn khiến da bị ngứa ngáy, chúng không gãi nhiều như những cá thể cùng loài bình thường khác.
Tuy nhiên, khi những con chuột biến đổi gen được tiêm serotonin vào cơ thể, chúng đã gãi nhiều như phản ứng thường thấy với chất kích thích ngứa.
Theo afamily