Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, nếu đến tháng 3/2020 mà việc giao dự toán ngân sách vẫn không được thực hiện thì hoạt động chạy tàu trên toàn quốc có thể phải tạm dừng vì không có tiền trả lương cho hơn 11.000 nhân viên tuần đường, gác chắn…
Đó là phát biểu của ông Vũ Anh Minh – Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (SCIC) vào ngày 20/2.
Hơn 11.000 nhân viên ngành đường sắt chưa có tiền lương
Cụ thể, ông Minh cho hay, những tháng gần đây VNR đã phải ứng tiền trả lương cho hơn 11.000 nhân viên ngành đường sắt để duy trì hoạt động do chưa có tiền.
Theo thông lệ, trước ngày 31/12 hằng năm, Bộ GTVT sẽ giao dự toán ngân sách bảo trì để nhân viên tuần đường, gác chắn hoạt động bình thường, đảm bảo hoạt động đường sắt. Tuy nhiên, đến nay VNR vẫn chưa hề nhận được dự toán.
Nguyên nhân dẫn đến điều này là do điều 49 Luật ngân sách nhà nước quy định, cơ quan nhận được ngân sách phải giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc, nhưng VNR lại không phải đơn vị trực thuộc của Bộ GTVT…
Phân tích thêm những bất cập, ông Minh cho biết, nghị quyết 87 của Quốc hội nêu rõ ‘tiếp tục cơ chế giao vốn bảo trì đường sắt cho Bộ GTVT’. Theo đó, dù có nhiều ý kiến cho rằng ‘tiếp tục’ ở dây là tiếp tục giao cho VNR nhưng Bộ GTVT lại giải thích ‘tiếp tục’ nhưng không có câu là ‘giao cho VNR’.
Đường sắt sẽ phải dừng hoạt động chạy tàu trên toàn quốc…
Trong khi các bộ ngành còn đang tranh cãi chuyện giao dự toán ngân sách, các doanh nghiệp ngành đường sắt lại không có tiền để trả cho nhân viên nên buộc VNR phải tạm ứng tiền để trả lương nhằm duy trì hoạt động của bộ máy, đảm bảo tuyến đường sắt thông suốt.
“Ứng tiền như vậy là tôi đang làm sai và phải đối diện với nhiều rủi ro… Nhưng chẳng lẽ lại dừng hoạt động chạy tàu?”, ông Minh nói.
Dù vậy, ông Minh cũng cho biết việc ứng tạm tiền để chi trả cho nhân viên chỉ là biện pháp tạm thời và không thế duy trì mãi được.
Nếu đến tháng 3/2020 tới việc giao dự toán ngân sách vẫn chưa được thực hiện, thì hoạt động chạy tàu trên toàn quốc có thể phải tạm dừng vì không có ai tuần đường, gác chắn.
“Đây là vấn đề rất cấp bách rồi, chúng tôi báo cáo rất nhiều rồi. Vì thế, tôi đề nghị cần khẩn cấp có cơ chế giải quyết, nếu không sẽ phải dừng hoạt động chạy tàu“, ông Minh cho hay.
Cũng theo ông Minh thì trước khi VNR được chuyển giao cho SCIC quản lý, Bộ GTVT dự kiến giao 2 gói thầu cho TVNR và Ban quản lý dự án đường sắt liên quan đến việc bảo đảm an toàn đường sắt.
Tuy nhiên, sau khi VNR được giao về SCIC vào năm 2018 thì Bộ GTVT cho biết không thể giao được các gói thầu này do VNR không trực thuộc Bộ này.
“Chúng tôi được giao quản lý, vận hành, khai thác và đảm bảo an toàn 3.059km đường sắt nhưng lại không được giao vốn để thực hiện, trong khi người khác được giao cải tạo, nâng cấp đường sắt là quá vô lý. Nhà mình ở mà người khác vào sửa theo nhu cầu của họ thì làm sao ở được”, ông Minh bức xúc.
Đưa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về lại Bộ GTVT?
Trước ý kiến trên, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục đã yêu cầu VNR trong mọi tình huống phải bảo đảm an toàn và để hoạt động chạy tàu thông suốt. Ông Lục cũng lưu ý cần phải đẩy nhanh kế hoạch giao vốn cho VNR.
Ngoài ra, ông Lục cũng cho biết, hiện Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT và SCIC đánh giá toàn diện đề xuất điều chuyển VNR từ SCIC về trực thuộc Bộ GTVT, những ưu điểm và nhược điểm của đề xuất này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sắp xếp vào đầu tháng 3/2020.
Được biết, VNR vốn là doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT. Năm 2018, Tổng công ty này được chuyển sang SCIC cùng với hàng loạt đơn vị khác như ACV, Vietnam Airlines, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam…
Từ khi chuyển đơn vị quản lý, VNR gặp rất nhiều khó khăn do không được giao dự toán thu chi ngân sách để quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, không được tiếp tục giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án cải tạo và nâng cấp hạ tầng sử dụng vốn đầu tư công.
Vũ Tuấn (t/h)