Iron Dome là hệ thống phòng không tầm ngắn với khả năng đánh chặn tên lửa, pháo và đạn cối hàng đầu hiện nay.
Hệ thống này do Rafael Advanced Defense Systems phát triển, nó đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lãnh thổ và người dân Israel trước các cuộc công kích bằng tên lửa do lực lượng nổi dậy thực hiện. Video dưới đây miêu tả lại cảnh hệ thống Iron Dome bắn hạ 15 tên lửa trên không, được bắn từ dải Gaza. Cảnh tượng trông như pháo hoa nhưng nếu những quả tên lửa này không bị đánh chặn, hậu quả sẽ rất thảm khốc.
Hoàn cảnh ra đời:
Vào những năm 90, lực lượng nổi dậy Hezbollah đã liên tục pháo kích vào các trung tâm đông dân cư tại miền bắc Israel, từ đó đặt ra thách thức về quốc phòng đối với Lực lượng phòng vệ Israel. Năm 2004, ý tưởng về hệ thống Iron Dome đã được xúc tiến sau khi tướng Daniel Gold lên nhậm chức. Trong suốt cuộc chiến tranh Li-băng năm 2006, theo ước tính lực lượng Hezbollah đã bắn 4000 rocket, chủ yếu là tên lửa tầm ngắn Katyusha vào miền bắc Israel, bao gồm cả thành phố lớn thứ 3 nước này là Haifa làm 44 thường dân thiệt mạng, 250.000 người Israel phải sơ tán, khoảng 1 triệu người bị mắc kẹt giữa các cuộc công kích và phải trú ẩn dưới các hầm chống bom. Ở phía nam, lực lượng Hamas đã bắn hơn 8000 đầu đạn các loại (khoảng 4000 rocket và 4000 quả đạn cối) vào các khu vực đông dân cư của Israel ở dải Gaza. Do đó vào tháng 2 năm 2007, bộ trưởng quốc phòng Israel -ông Amir Peretz đã chọn Iron Dome như một giải pháp phòng vệ đối với các mối đe doạ từ tên lửa tầm ngắn.
Thiết kế và hoạt động của hệ thống:
Hệ thống phòng không Iron Dome được thiết kế để đánh chặn và phá hủy các tên lửa tầm ngắn và đạn pháo, được bắn từ khoảng cách từ 4 đến 70 km nhằm vào các khu vực đông dân cư. Theo nhà sản xuất Rafael, Iron Dome sẽ hoạt động cả ngày lẫn đêm, dưới nhiều điều kiện thời tiết bất lợi và có thể phản ứng trước nhiều môi đe doạ cùng lúc.
Iron Dome có 3 thành phần chính bao gồm:
- Radar phát hiện và theo dõi: hệ thống radar được chế tạo bởi IDF và Elta – một công ty phòng thủ của Israel và là công ty con của Israel Aerospace Industries.
- Trung tâm điều khiển vũ khí và quản lý chiến thuật (BMC): đây là một hệ thống phần mềm được công ty mPrest phát triển dành riêng cho Rafael. Phần mềm hoạt động trên nền tảng Microsoft Windows và kiến trúc NET.
- Đơn vị phóng: đơn vị này chứa các tên lửa đánh chặn Tamir, được trang bị với các cảm biến điện-quang học và các vây điều hướng để đạt khả năng cơ động cao nhất. Các tên lửa được chế tạo bởi Rafael.
Hoạt động :
Hệ thống radar của hệ thống sẽ phát hiện các tên lửa được phóng từ bên ngoài và theo dõi đường bay của chúng. Sau đó BMC sẽ tính toán điểm va chạm dựa trên dữ liệu thu thập được, sử dụng thông tin này để xác định liệu mục tiêu có gây nguy hiểm cho một khu vực nào đó hay không. Chỉ khi mối đe doạ được xác định, một tên lửa đánh chặn sẽ được phóng đi để phá huỷ rocket đang bay đến, trước khi nó lao xuống khu vực va chạm dự đoán.
Thông thường hệ thống radar, đơn vị điều khiển tên lửa và các bệ phóng đều được thiết lập tại cùng một địa điểm. Iron Dome thì ngược lại, hệ thống này được thiết kế để triển khai rải rác tại nhiều khu vực. Mỗi bệ phóng chứa 20 tên lửa đánh chặn và được triển khai độc lập, vận hành từ xa qua kết nối không dây bảo mật. Mỗi khẩu đội Iron Dome có thể bảo vệ một khu vực với diện tích xấp xỉ 150 km2.
Hiệu quả phòng không:
Iron Dome đánh chặn thành công một quả rocket được bắn từ dải Gaza bởi các phần từ cực đoan Palestine.Sau khi được triển khai đồng loạt tại nhiều khu vực vào tháng 4 năm 2011, Iron Dome đã đánh chặn thành công nhiều tên lửa Katyusha được bắn bởi các phần tử Palestine. Vào tháng 8 cùng năm, Iron Dome đã bắn hạ 20 tên lửa và rocket nhằm vào Israel. Tuy nhiên, Iron Dome vẫn gặp phải sai sót khi để “sổng” 1 trong 5 quả rocket khi chúng được bắn vào thành phố Beersheba, làm 1 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Vào tháng 11 năm 2012, trong suốt chiến dịch Trụ cột Phòng thủ (Operation Pillar of Defense), hiệu quả của hệ thống Iron Dome khoảng từ 75 đế 95%. Với gần 1000 tên lửa và rocket được lực lượng Hasmas công kích nhằm vào Israel, Iron Dome đã nhận biết 2/3 số tên lửa không gây nguy hiểm và đánh chặn thành công 90% số còn lại (khoảng 300 tên lửa). Trong suốt chiến dịch, chỉ có 3 người Israel thiệt mạng do một hệ thống Iron Dome bị hỏng.
Tại chiến dịch Vành đai Bảo vệ (Operation Protective Edge) được Israel phát động từ ngày 8 tháng 7, Iron Dome cũng đã đánh chặn thành công 87% mục tiêu công kích.
Theo nhận định của cố vấn phòng thủ Steven Zaloga, với 90% tên lửa được đánh chặn thành công, tỉ lệ hiệu quả của Iron Dome là rất cao so với các hệ thống phòng không khác trên thế giới.
Vấn đề chi phí:
Nhà phân tích quân sự Reuven Pedatzur cho rằng Iron Dome có chi phí quá cao so với một quả tên lửa Qassam của lực lượng cực đoan Palestine. Chi phí ước tính cho mỗi tên lửa đánh chặn Tamir vào khoảng từ 20.000 đến 50.000 USD trong khi chi phí sản xuất một tên lửa Qassam chỉ vào khoảng 800 USD còn giá của mỗi tên lửa Grad được lực lượng Hamas sử dụng cũng chỉ tầm vài nghìn đô la.
Tuy nhiên, Rafael đã phản hồi rằng vấn đề chi phí đã bị thổi phồng quá mức bởi Iron Dome chỉ đánh chặn các tên lửa được xác định gây nguy hiểm và chi phí bỏ ra là xứng đáng với hiệu quả nó mang lại.
Nguồn: Sploid, Wikipedia.Theo Tinhte