Công ty Quốc phòng Vương quốc Anh BAE Systems vừa tiết lộ, xe jeep có khả năng nhảy cóc qua chướng ngại vật hay tàu sân bay lơ lửng trong không gian từng là những kế hoạch bom tấn trong thập niên 60.||
Tuy nhiên, những ý tưởng tuyệt vời này chưa một lần có cơ hội tạo ra bước đột phá cho cuộc sống con người bởi chúng mãi mãi vẫn chỉ là ý tưởng.
Tài liệu của BAE cho biết, đây từng là tham vọng của những công ty tiền thân của BAE. Những người sáng lập từng tin rằng, sự ra đời của những thiết bị này sẽ góp phần làm cho cuộc sống con người trở nên thoải mái. Tuy nhiên, mãi tới gần nửa thế kỷ sau, con người vẫn chưa có cơ hội tận hưởng thành tựu của những dự án trên. Tài liệu vừa được BAE công khai cho thấy, chiếc máy bay phản lực cất cánh thẳng đứng chẳng khác mấy so với một chiếc máy bay thông thường. Tuy nhiên, điểm nhấn của phương tiện vận tải hành khách này là không cần sự hỗ trợ của đường băng. Máy bay sẽ cất cánh thẳng đứng tới một độ cao nhất định trước khi bắt đầu hành trình của mình.
Không chỉ giúp việc đi lại trở nên thuận tiện, tham vọng này còn giúp tiết kiệm không gian đô thị, vốn được sử dụng để xây dựng những đường băng khổng lồ. Tuy nhiên, dự án lý tưởng này chưa bao giờ được thực hiện bởi chi phí nhiên liệu lớn cùng sức chịu đựng hạn chế thân máy bay. Hiện tại, công nghệ này đang được sử dụng cho một số máy bay quân sự đặc biệt. Bên cạnh loại máy bay phản lực chở khách cất cánh thẳng đứng, tài liệu của BAE còn cho thấy thiết kế của một loại xe jeep đặc biệt, có khả năng nhảy vượt chướng ngại vật dựa vào hệ thống cánh quạt đặc biệt lắp trên mui xe. Tuy nhiên, chi phí khá lớn khiến quân đội Anh buộc phải từ bỏ tham vọng sở hữu loại phương tiện hoàn hảo này.
Bên cạnh 2 mẫu thiết kế độc đáo này, quân đội Anh còn tham vọng chế tạo tàu sân bay có khả năng lơ lửng trong không trung, giúp các máy bay chiến đấu thuận lợi hơn trong việc tác chiến. Tuy nhiên, rào cản công nghệ cùng chi phí khổng lồ buộc Không quân Hoàng gia Anh phải từ bỏ tham vọng sở hữu loại hàng không mẫu hạm độc nhất vô nhị này. Không dừng lại ở đó, các nhà chức trách Anh còn tham vọng chế tạo loại máy bay không gian đặc biệt, có khả năng di chuyển nhanh gấp 5 lần vận tốc âm thanh. Được quảng cáo là phương tiện bay vào vũ trụ tái sử dụng đầu tiên trên thế giới, mẫu máy bay mới được kỳ vọng tiết kiệm chi phí từ 20–30 lần so với các loại tên lửa đưa người lên mặt trăng mà Mỹ sử dụng năm 1969. Tuy nhiên, giống như nhưng thiết kế khác, Chính phủ Anh đã bỏ rơi loại máy bay này dù nửa thế kỷ sau, ý tưởng đó vẫn đang được các công ty không gian tư nhân sử dụng.
Tuy gánh khá nhiều thất bại nhưng thập niên 60 cũng chứng kiến thành tựu công nghệ nổi bật của các chuyên gia Anh, đó là mẫu phi cơ chở khách siêu âm Concorde, với khả năng bay gấp nhiều lần tốc độ âm thanh. Trong thời đại của mình, Concorde từng làm mưa làm gió trên các phi trường, và trở thành biểu tượng nổi bật của hàng không châu Âu. Dù vậy, số phận Concorde cũng lận đận sau vụ tai nạn thảm khốc năm 2000, khiến chúng bị khai tử vài năm sau đó.
Trịnh Duy Theo Infonet |