(TNO) Trong cuộc tập trận hồi tháng 3.2015 huy động đến 33.000 binh sĩ, Nga đã luyện kịch bản vô hiệu hóa kế hoạch gia tăng sức mạnh của NATO tại 3 nước Baltic.
Tấn công 4 nước một lúc
Trên đây là kết quả phân tích của Trung tâm phân tích chính sách châu Âu (CEPA), tổ chức độc lập chuyên nghiên cứu chính sách công ở đông và trung Âu, về cuộc tập trận cực kỳ quy mô của Nga, diễn ra hồi tháng 3.2015.
Báo The Telegraph (Anh) ngày 26.6 dẫn báo cáo của ông Edward Lucas, Phó Chủ tịch cao cấp của CEPA, cho biết trong kịch bản, ngòi nổ là một cuộc nổi loạn chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin , khiến Nga đồng thời tấn công 4 nước vùng Baltic bao gồm Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan.
Cụ thể, binh sĩ Nga thực tập tấn công Na Uy nhằm chiếm một khu vực ở miền bắc nước này. Trong khi đó, một đạo quân khác của Nga sẽ chiếm đảo Aland của Phần Lan. Cùng lúc, đảo Gotland của Thụy Điển và đảo Bornholm của Đan Mạch cũng bị lính Nga tấn công.
Những phần lãnh thổ trên đều nằm ở khu vực Baltic, vắt qua những tuyến đường biển huyết mạch, đồng nghĩa đó cũng là những mục tiêu quân sự chiến lược. Việc chiếm đóng những đảo này sẽ khiến Nga “niêm phong” luôn khu vực Baltic, nơi tọa lạc của . 3 quốc gia này có thể sẽ là nơi bố trí các khí tài hạng nặng do Mỹ triển khai trong kế hoạch tăng cường cho lực lượng phản ứng nhanh của NATO.
Trong số 4 nước nằm trong kịch bản tấn công của Nga thì Đan Mạch, Na Uy là thành viên NATO; Phần Lan và Thụy Điển là nước trung lập.
Ông Lucas cho rằng cả 4 nước này đều cần thiết phải tăng cường hợp tác về mặt quân sự với những quốc gia dễ “rơi vào tầm ngắm” của Nga , đặc biệt là Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan.
Luyện tấn công hạt nhân
Trong thời gian qua, Nga liên tục tập trận ở sát biên giới các nước NATO, bao gồm cả tập trận trên không, trên biển và trên đất liền.
Đáng chú ý, hồi tháng 6.2014, không quân Nga luyện kịch bản cuộc tấn công hạt nhân vào Bornholm – một hòn đảo của Đan Mạch đúng lúc đó đang tổ chức một lễ hội thường niên, quy tụ hàng loạt chính khách cao cấp và 90.000 khách.
Ông Lucas kết luận trong báo cáo: “Nếu cuộc tấn công như thế này xảy ra thực sự, Đan Mạch sẽ bị cắt ngọn”.
Thêm vào đó, theo báo cáo, máy bay ném bom Nga cũng thường xuyên dò la khả năng phòng không của các nước NATO, xâm phạm không phận của các nước này để khiêu khích máy bay chiến đấu vào cuộc. Máy bay Nga thường tắt thiết bị nhận/phát tín hiệu, vốn giúp máy bay nhận biết sự hiện diện của nhau, dẫn đến tình huống vài lần suýt va chạm với máy bay dân sự.
Phản ứng lại, NATO cũng tăng cường tập trận, gồm BALTOPS 2015, cuộc tập trận ở khu vực Baltic trong tháng này, quy tụ 49 tàu chiến thuộc 14 quốc gia cả thảy. Đáng chú ý, 2 nước trung lập là Phần Lan và Thụy Điển cũng tham gia tập trận với danh nghĩa là “đối tác” của NATO.
Chưa thể
Tuy nhiên, theo nhận định của CEPA, Nga sẽ chưa thể tấn công vào các láng giềng Baltic một khi còn đang “điều lực lượng” tới Ukraine. Giới chức Mỹ tin rằng binh lính Nga đang phối hợp với lực lượng ly khai ở Uraine, cung cấp vũ khí, hậu cần, huấn luyện, chỉ đạo và kiểm soát các lực lượng này, theo The Telegraph.
The Telegraph dẫn lời ông Daniel Baer, đại sứ Mỹ tại Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu phát biểu rằng các nhà quan sát đã phát hiện xung đột đang gia tăng ở Ukraine. Hồi tuần trước, các nhà quan sát phát hiện 700 vụ nổ ở miền đông Ukraine. Ông Baer nói thêm: “Anh sẽ không thể làm được điều đó nếu không có hệ thống cung cấp được một nhà nước tài trợ, nếu không có cả một hệ thống hậu cần, tái cung cấp đứng đằng sau. Những gì đang xảy ra đã không thể xảy ra nếu không có sự tham gia của Nga”.
Trong khi đó, Nga bác bỏ mọi cáo buộc dính líu quân sự ở Ukraine.
Kiều Oanh |
Theo Thanh Niên