Mùa hè đến, mọi người thường nô nức đến các công viên nước để giải nhiệt, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ. Tuy nhiên, ít ai để ý rằng hồ bơi cũng là nơi ẩn chứa nhiều nguy cơ lây nhiễm các căn bệnh nhiễm trùng.
Mặc dù nước trong hồ bơi trông có vẻ sạch sẽ, nhưng nhiều vi khuẩn và các hóa chất độc hại vẫn có thể tiềm ẩn trong đó, nhất là tại bể bơi công cộng, hoặc trong khu vui chơi giải trí. Những vi khuẩn này có thể gây nên các căn bệnh thường gặp khi đi bơi (RWI), thường là các loại bệnh nhiễm trùng như nhiễm trùng dạ dày, da, tai, đường hô hấp, mắt, thần kinh và nhiễm trùng ở vết thương hở. Tuy nhiên, triệu chứng thường gặp nhất là tiêu chảy.
Nguyên nhân chủ dẫn đến các căn bệnh này là do hóa chất độc hại hoặc vi khuẩn trong bể bơi tác động vào cơ thể.
Nguy cơ do lạm dụng hóa chất tẩy rửa
Nhiều người nghĩ rằng chúng ta an toàn vì hồ bơi đã có chứa clo để làm sạch nước. Tuy nhiên, khi cho Clo vào sẽ có hai hiện tượng xảy ra: Một là, Clo gặp Amoni (có trong nước tiểu) sẽ phản ứng rất nhanh và tạo thành chất mà khả năng sát khuẩn kém hơn Clo hàng trăm lần. Do đó, nhiều bể bơi thấy nước bẩn liền đưa Clo xuống càng khiến nước bẩn thêm.
Hai là, để làm sạch bể bơi, người ta lại cho phèn chua vào nước. Như vậy phèn sẽ làm giảm độ PH trong nước, dẫn đến tình trạng nhiều trẻ đi bơi về bị cay mắt hoặc bỏng rát trên da. Đặc biệt với những trẻ đã bị các bệnh về tai mũi họng, nhất là viêm mũi dị ứng, khi tiếp xúc với các hóa chất tẩy rửa trong hồ bơi, rất dễ bị tái phát bệnh, khiến bệnh dai dẳng, khó điều trị hơn.
Ngoài ra, clo không thể giết chết tất cả các vi khuẩn trong hồ bơi ngay lập tức. Đặc biệt, có rất nhiều vi khuẩn và vi trùng có tính chống chịu với clo và chỉ có thể chết trong một vài ngày sau đó.
Mắc bệnh từ vi khuẩn trong bể bơi
Theo các chuyên gia, bể bơi càng đông, càng quá tải thì càng bẩn và tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh. Hơn nữa trong những người đi bơi, nhiều người vốn mang bệnh sẵn nhưng không có ý thức tránh lây bệnh cho người khác, trong đó các vấn đề về da liễu là dễ lây lan nhất, đặc biệt là với những trẻ trên da có nhiều vết thương hở hoặc trầy xước.
Bên cạnh đó, BS Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết, năm nào cứ vào mùa hè số bệnh nhân đến khám vì viêm kết mạc có liên quan đến bơi lội lại tăng lên, trong đó rất nhiều bệnh nhân là trẻ nhỏ.
Viêm kết mạc là căn bệnh gặp phổ biến nhất khi bơi lội. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện mắt đỏ, ra gỉ nhiều, ngứa, chảy nước mắt… Nguyên nhân gây bệnh một phần đến từ việc nhiễm khuẩn trong nước hồ bơi, phần còn lại là lây chéo từ những người đã mắc sẵn các bệnh lý về mắt trước đó.
Đặc biệt bệnh viêm đường tiết niệu cũng được đánh giá là bệnh dễ lây từ các bể bơi. Bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu chủ yếu xuất phát từ sự tấn công và xâm nhập của các vi khuẩn, nấm mốc độc hại.
Theo một khảo sát cho thấy, cứ 5 người đi bơi thì sẽ có ít nhất 1 người tiểu tiện vào bể bơi. Ngay cả các vi khuẩn fecal coliform đặc trưng cho việc nhiễm bẩn từ phân người cũng được tìm thấy trong nước hồ bơi, đây chính là tác nhân chính gây nên bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu ở người.
Một số cách bảo vệ bản thân và những người khác khi đi bể bơi
– Tắm trước khi vào hồ bơi.
– Không khạc nhổ, tiểu tiện ra hồ bơi
– Không bơi hoặc đi đến hồ bơi nếu bạn vừa khỏi bệnh tiêu chảy.
– Kiểm tra độ pH của nước trong hồ bơi và chỉ bơi khi biết chắc chắn hồ bơi luôn được duy trì an toàn bằng cách sử dụng các hóa chất an toàn với môi trường.
– Kiểm tra mức độ hóa chất trong nước hồ bơi. Thường xuyên làm sạch nước bị ô nhiễm nếu là bơi ở nhà.
– Khi da bắt đầu ngứa, bạn có thể sử dụng sản phẩm kem bạc hà để giảm ngứa. Nếu vấn đề không được giải quyết trong vòng 7 ngày, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
– Hãy phòng ngừa bệnh đau mắt sau khi bơi. Đừng dụi mắt bằng tay khi cảm thấy ngứa. Đừng đeo kính áp tròng khi bị kích thích.
– Lượng clo dư thừa trong hồ bơi có thể gây ra rụng tóc, vì vậy hãy sử dụng mũ trùm đầu trong khi bơi lội.
Thùy Linh (t/h)