Sau khi bộ phim “Hồ Trường Tân” được phát sóng, các cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không ngừng quảng bá và tung hô. Thế nhưng, rất nhiều phương tiện truyền thông ở nước ngoài đã chỉ trích bộ phim không tôn trọng sự thật lịch sử. Gần đây lại xuất hiện thêm nhiều tình tiết gây tranh cãi đằng sau quá trình làm nên bộ phim này.
Mặc dù mạng lưới Internet của Trung Quốc bị chính quyền kiểm soát rất chặt chẽ, thế nhưng vẫn luôn có những thông tin “nhạy cảm” được cư dân mạng truyền ra bên ngoài. Gần đây, đoạn tin nhắn trò chuyện trực tuyến được cho là của một số thành viên đoàn làm phim được lan truyền trên mạng, tiết lộ nội tình chuyện đạo diễn không hiểu về quân sự, tự ý sắp xếp đội hình khi quay phim, hay chuyện diễn viên chính tự cao không coi trọng lịch sử, còn điên cuồng sử dụng người đóng thế…
Gần đây, những bức ảnh chụp màn hình ghi lại cuộc trò chuyện giữa các nhân viên hậu trường của đoàn làm phim “Hồ Trường Tân” (The Battle at Lake Changjin) đã được đăng tải trên Internet. Trong ảnh chụp cuộc trò chuyện dài 6 trang này, một số thành viên đoàn đã tiết lộ những điều “mắt thấy tai nghe” trong suốt quá trình làm phim.
Trong đó, một nhân viên công tác tiết lộ rằng, biên kịch Lan Hiểu Long chỉ viết ra bản thảo cho bộ phim, còn nội dung đã bị thay đổi đến 65% trong quá trình quay. Người này còn đặt câu hỏi: “Quân chí nguyện nào lại dám hành động giữa ban ngày ban mặt?”.
Các nhân viên cũng phàn nàn về việc diễn viên chính Ngô Kinh đã không màng tới sự thật lịch sử, lại còn thích thể hiện mình. “Ngô Kinh hét lên rằng anh ta nên được trang bị một khẩu súng lục M1911, bởi vì anh ta nghĩ rằng khẩu M1911 đẹp hơn. Sau khi đưa cho anh khẩu Mauser (súng lục C96), anh ta vẫn còn cảm thấy không vui”.
Đoạn tin nhắn còn tiết lộ, ngay từ khi bắt đầu quay phim, Ngô Kinh đã không mang theo bất kỳ trang thiết bị nào, cũng không chịu gài móc cổ áo. Khi được hỏi lý do, anh ta nói: “Tôi là đại đội trưởng”. Trong các báo cáo tuyên truyền, đều nói rằng Ngô Kinh luôn tự mình quay các cảnh phim hành động mạo hiểm, vì nghệ thuật mà toàn lực diễn xuất, cống hiến hết mình. “Thật tình không biết rằng, ‘Kinh ca’ mới là người có nhiều người thế thân nhất!”.
Ngoài ra, trong lời hội thoại của các nhân viên hậu trường còn chế nhạo đạo diễn của “Hồ Trường Tân” Lâm Siêu Hiền (Lin Chaoxian) là không hiểu gì về chỉ đạo quân sự. “Cứ quảng cáo rùm beng là bản thân rất hiểu về quân sự, thực ra người không biết gì về quân sự nhất chính là ông ta”.
Có nhân viên nói: “Lúc đại đội 7 băng qua ghềnh đá, đạo diễn Lâm đã phát minh ra một đội hình mới, chính là đội hình 446. Khi hỏi ông ấy 446 là gì, ông ấy lại không nói rõ ràng, còn tỏ ra rất mơ hồ”. Một số cư dân mạng đã chế giễu dưới bài đăng: “Tính sắp xếp đội hình đá bóng hay sao vậy?”.
Theo dữ liệu, bộ phim “Hồ Trường Tân” do Bộ Tuyên truyền Trung ương ĐCSTQ và Cục Quản lý Điện ảnh Quốc gia trực tiếp chỉ đạo viết kịch bản và quay chụp, được cho là một “món quà nhỏ” nhằm chúc mừng 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ.
“Chiến tranh Triều Tiên” được đề cập trong bộ phim này khác xa với sự thật lịch sử. Thông tin công khai cho thấy, lý do thực sự dẫn đến chiến tranh là do nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) muốn thôn tính Hàn Quốc, hành vi ngang nhiên xâm lược chủ quyền lãnh thổ quốc gia này đã bị Liên Hợp Quốc lên án mạnh mẽ. Do đó, quân đội Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu đã tiến vào bán đảo Triều Tiên và xua quân xâm lược họ Kim trở về lãnh thổ của mình.
Trong bối cảnh đó, ĐCSTQ đã bí mật gửi hàng trăm nghìn quân đến bán đảo Triều Tiên để bảo vệ cho vương triều họ Kim – vốn cùng ý thức hệ với ĐCSTQ, khỏi sự diệt vong. Đồng thời bí mật bao vây quân đội Liên Hợp Quốc đóng tại khu vực hồ Trường Tân, bắt đầu một cuộc chiến không báo trước. Đây chính là “Chiến dịch hồ Trường Tân”.
Mặc dù quân đội ĐCSTQ dựa vào số lượng binh sĩ áp đảo và tấn công lén lút, nhưng do thiếu nguồn cung cấp hậu cần và trang thiết bị, nhiều binh sĩ ĐCSTQ vì muốn nhanh chóng tiến quân mà phải cởi bỏ quần áo ấm. Kết quả, đối mặt với cái lạnh âm 10 độ ở Triều Tiên, đã khiến hàng chục ngàn binh lính bị chết cóng.
Cựu lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông từng viết thư cho Tư lệnh Binh đoàn 9 Tống Thời Luân (Song Shilun) rằng: “Đã có hơn 40.000 người thương vong trên mặt trận phía Đông, trong đó hơn 30.000 người chết vì tê cóng. Đây là một bài học đau thương, đã khiến chúng ta tổn thất nặng nề”.
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ lại “nhào nặn” đoạn lịch sử bi thảm này thành một sử thi anh hùng truyền cảm hứng; còn quảng bá “Chiến dịch hồ Trường Tân” như một chiến thắng của quân đội Cộng sản Trung Quốc.
Thậm chí, cơ quan tuyên truyền ĐCSTQ còn “thi ca hóa” những binh lính bị đóng băng đến chết một cách vô nhân đạo rằng: “Toàn bộ các thành viên đã biến thành những tác phẩm điêu khắc băng óng ánh”, trở thành “biểu tượng cho tôn nghiêm dân tộc và quốc gia”. Những tuyên truyền “đổi trắng thay đen” này đã khiến không ít cư dân mạng cảm thấy phẫn nộ.
Theo thông tin công khai, Binh đoàn 9 và các sư đoàn bổ sung dưới quyền chỉ huy của Tư lệnh kiêm Chính uỷ Tống Thời Luân có đến hơn 160.000 quân. 20 ngày sau trận Hồ Trường Tân, khi đơn vị này trở về Trung Quốc “nghỉ ngơi hồi sức” vào ngày 1/1/1951, thì nó đã hoàn toàn bị tan rã.
Trong quyển “Khai quốc đệ nhất chiến” thuộc Nhà xuất bản Lịch sử Đảng có ghi lại, “Chiến dịch hồ Trường Tân” đã khiến “19.202 người thương vong trong lúc chiến đấu, 28.954 người thương vong vì tê cóng, hơn 1.000 người chết cóng, hơn 3.000 người tổn thương do giá rét không được cứu chữa kịp thời mà thiệt mạng; tổng quân số đã giảm đi 48.156 người”.
Hồ sơ của Mỹ về trận “Hồ Trường Tân” cho thấy, trong trận chiến này, sư đoàn Thủy quân Lục chiến của Mỹ lúc đầu có 23.533 người đổ bộ vào Wonsan, đến khi sơ tán hoàn toàn khỏi cảng Hungnam vào ngày 24/12, tổng quân số còn lại là 19.362 người, có 604 người đã thiệt mạng, 114 người bị thương nặng dẫn đến tử vong, 192 người mất tích, 3.485 người bị thương lúc chiến đấu và 7.338 bị thương vì các nguyên nhân khác.
Nguyên soái Lưu Bá Thừa của ĐCSTQ cũng cho biết trong một bài phát biểu tại Học viện Quân sự Nam Kinh rằng, trong trận chiến hồ Trường Tân, một binh đoàn Trung Quốc đã bao vây sư đoàn Thủy quân Lục chiến số 1 của Mỹ, nhưng không thể tiêu diệt, không thể đánh tan. Lấy 10 địch 1, cuối cùng lại để quân đội Hoa Kỳ rút lui an toàn khỏi trận chiến, còn mang theo toàn bộ những binh lính bị thương cùng với hầu hết vũ khí và trang thiết bị.
Tuệ Tâm (Theo NTDTV)