Trong nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến dài hơn 50 năm, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos ngày 7/10 đã được chọn là người chiến thắng giải Nobel Hòa bình 2016.
Nội chiến 52 năm, thỏa thuận hòa bình đổ vỡ
Thỏa thuận hòa bình mang tính lịch sử với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) là kết quả của 4 năm đàm phán, nhưng đã bị cử tri Colombia khước từ với tỷ lệ phiếu bầu sít sao trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra đầu tháng này. Colombia chịu đựng cuộc nội chiến kéo dài suốt 52 năm, cướp đi mạng sống của 220.000 người và khiến 6 triệu người mất nhà cửa.
Khi số lượng thành viên bắt đầu giảm sút, FARC bắt đầu đàm phán bí mật với chính phủ năm 2010, rồi trở thành chính thức sau 2 năm. Thỏa thuận hòa bình cuối cùng đã đạt được vào tháng 9/2016 mà theo đó các tay súng của FARC sẽ “giã từ vũ khí” để lực lượng này trở thành một đảng chính trị chính thức.
Theo một nguồn tình báo Colombia giấu tên, để đạt được thỏa thuận này, ông Santos đã bảo đảm rằng không một thành viên nào của FARC sẽ bị dẫn độ sang Mỹ để phải hầu tòa vì những cáo buộc liên quan buôn bán ma túy. Động thái này bị chỉ trích là tìm kiếm hòa bình bằng mọi giá, ngược lại với sự khước từ đối thoại của người tiền nhiệm của ông Santos.
Sự thất bại bất ngờ của thỏa thuận sau cuộc trưng cầu ý dân gây sốc nặng sau khi nó đã được cả Tổng thống Santo và lãnh đạo FARC Timoleon Jimenez ký. Việc cử tri thông qua vốn chỉ được coi là hình thức, nhưng 50,2% đã bác bỏ. Kết quả này được cho là sẽ gây ra những hậu quả lâu dài.
Món quà cho người dân
Ủy ban Nobel Na Uy cho biết, họ quyết định trao giải Hòa bình 2016 cho Tổng thống Santos vì “những nỗ lực kiên quyết của ông nhằm kết thúc cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm ở đất nước, cuộc chiến lấy đi mạng sống của ít nhất 220.000 người Colombia và khiến khoảng 6 triệu người mất nhà cửa”.
Giải thưởng này nên được coi là món quà cho người dân Colombia, dù phải trải qua nhiều vất vả và đau khổ, vẫn không từ bỏ hy vọng hòa bình, đồng thời cũng là món quà gửi tới tất cả những đảng phái đã đóng góp cho tiến trình hòa bình. “Món quà này được trao cho đại diện của vô số nạn nhân của cuộc nội chiến”, Ủy ban Nobel tuyên bố.
Việc đa số cử tri nói không với thỏa thuận hòa bình không hẳn dẫn đến cái chết của tiến trình hòa bình. Cuộc trưng cầu ý dân không phải là sự ủng hộ hay chống lại hòa bình. Phía khước từ không từ bỏ khát vọng hòa bình mà là một thỏa thuận hòa bình cụ thể.
Ủy ban Nobel Na Uy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Tổng thống Santos đang mời tất cả các đảng chính trị tham gia vào một cuộc đối thoại quốc gia rộng lớn nhằm thúc đẩy tiến trình dân chủ. Ngay cả những ai phản đối thỏa thuận hòa bình cũng đều đã hoan nghênh một cuộc đối thoại như vậy. Ủy ban Nobel hy vọng rằng, tất cả các bên sẽ chia sẻ trách nhiệm và tham gia một cách xây dựng vào những cuộc đối thoại hòa bình sắp tới.
Với việc trao giải Hòa bình năm nay cho Tổng thống Santos, Ủy ban Nobel Na Uy mong muốn sẽ khuyến khích tất cả những ai đang nỗ lực đạt được hòa bình, hòa giải và công lý ở Colombia. Ủy ban hy vọng rằng, giải thưởng Hòa bình sẽ trao cho ông sức mạnh để thành công với nhiệm vụ khó khăn này và trong những năm tới, người dân Colombia sẽ hái quả ngọt từ tiến trình hòa giải và hòa bình. “Chỉ khi đó đất nước mới có thể giải quyết hiệu quả những thách thức như đói nghèo, bất công xã hội và tội phạm ma túy”, Ủy ban nhận định.
Theo Tiền phong