Sau 32 năm tìm kiếm và gần như đã từ bỏ hy vọng được gặp lại con đã mất tích, bà Lý Tĩnh Chi cuối cùng đã được đoàn tụ với con trai Mao Dần của mình. Đây là một trong những câu chuyện kỳ diệu của cuộc sống, cho thấy tình mẫu tử có khả năng chinh phục mọi chướng ngại.
Theo BBC, Mao Dần, tên thường gọi là Gia Gia, bị bắt cóc vào năm 1988 khi mới 2 tuổi 8 tháng. Khi vụ bắt cóc xảy ra, bà Lý Tĩnh Chi đang đi công tác, bé Mao Dần ở nhà với cha.
Bà Lý kể: “Vào thời đó, truyền thông chưa phát triển. Tôi chỉ nhận được một bức điện với đúng 6 chữ ‘việc khẩn cấp, về nhà ngay’. Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra”. Bà vội vã trở về nhà ở Tây An và sau đó biết tin con trai mất tích.
Chồng của bà Lý kể, ông đón con tại trường mẫu giáo, trên đường về có dừng tại khách sạn do gia đình làm chủ để lấy nước cho con. Nhưng chỉ trong 1, 2 phút bận làm nguội nước không để mắt tới bé Mao Dần, thì cậu bé đã biến mất.
“Lúc ấy tôi nghĩ có thể con đi lạc, những người tốt bụng sẽ tìm thấy và mang con trở lại cho tôi. Nhưng tôi không nghĩ rằng tôi sẽ mãi không tìm thấy con”, bà Lý kể trong nước mắt.
Sau một tuần trôi qua và không thấy ai đưa cậu bé đến đồn cảnh sát, bà biết tình hình rất nghiêm trọng. Bà hỏi những người ở khu vực lân cận khách sạn, rồi in 100.000 tờ rơi có ảnh con trai, phát chúng tại các bến xe buýt và nhà ga ở Tây An và đăng thông báo tìm người mất tích trên báo địa phương. Nhưng tất cả đều không thu về kết quả.
Khi mới biết tin con mất tích, điều bà làm đầu tiên là trách cứ chồng. Nhưng sau đó, bà nhận ra họ nên cùng nhau nỗ lực tìm Gia Gia. Tuy nhiên, dần dần họ không còn chủ đề nói chuyện chung ngoài việc tìm con và sau 4 năm, họ ly hôn.
Tuy nhiên, bà Lý không từ bỏ việc tìm kiếm con trai. Chiều thứ Sáu hàng tuần, sau khi kết thúc giờ làm, Lý Tĩnh Chi đi tàu tới các tỉnh gần đó để tìm con rồi trở về nhà vào chiều Chủ nhật. Bất cứ khi nào có manh mối về một cậu bé có hình dáng giống Mao Dần, bà Lý đều đi và tìm hiểu.
32 năm đằng đẵng tìm con
Cũng trong khoảng thời gian này, bà Lý biết được cũng nhiều cha mẹ bị mất con. Bà bắt đầu phối hợp với họ, cùng nhau thiết lập một mạng lưới trải khắp các tỉnh thành. Họ gửi tờ rơi cho nhau và dán khắp các khu vực mà mỗi người chịu trách nhiệm.
Khi con trai mất tích được 19 năm, bà Lý bắt đầu công việc tình nguyện với trang web Baby Come Home, giúp đoàn tụ các gia đình có con mất tích. “Tôi không còn cảm thấy cô đơn nữa. Có rất nhiều tình nguyện viên giúp chúng tôi tìm con. Tôi cảm thấy rất xúc động”, bà Lý nói. “Ngay cả khi tôi không tìm được con thì tôi có thể giúp những đứa trẻ khác tìm lại người thân”.
Phối hợp với trang Baby Come Home và các tổ chức khác trong hai thập kỷ qua, bà Lý đã giúp đoàn tụ 29 gia đình. “Có khi tôi tự hỏi: ‘Tại sao đây không phải là con trai tôi?’ Nhưng khi nhìn thấy những ông bố bà mẹ khác ôm con mình, tôi cảm thấy hạnh phúc cho họ. Tôi cũng cảm thấy nếu ngày này đến với họ thì rồi cũng sẽ đến với tôi”, bà nói.
Tới ngày 10/5 năm nay, đúng vào “Ngày của Mẹ”, bà Lý nhận được cuộc điện thoại của công an Tây An cho biết “đã tìm thấy Mao Dần”. “Tôi không dám tin đó là thật”, bà Lý nói.
Trước đó, hồi tháng 4, một người đã trao cho bà Lý manh mối về một người đàn ông bị bắt cóc ở Tây An cách đây nhiều năm. Người này đã đưa cho bà Lý bức ảnh của cậu bé khi đã trưởng thành. Bà chuyển ảnh cho công an và họ dùng công nghệ nhận diện khuôn mặt để xác định. Đó là một nam giới sống ở thành phố Thành Đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên.
Công an đã thuyết phục người này thử ADN và tới ngày 10/5, kết quả được công bố. Tiếp sau đó, công an lại lấy máu và làm xét nghiệm ADN một lần nữa, kết quả cho thấy, bà Lý và người đàn ông đó chính là mẹ con. Sau 32 năm với hơn 300 manh mối không chính xác, cuối cùng cuộc tìm kiếm đã kết thúc.
Cuộc đoàn tụ đầy nước mắt
Ngày 18/5 được chọn làm ngày đoàn tụ. Bà Lý rất căng thẳng, không chắc con trai sẽ cảm thấy thế nào về mình. Giờ đây, Gia Gia là một người đàn ông trưởng thành, đã lập gia đình và đang kinh doanh ngành trang trí nội thất.
“Trước ngày gặp mặt, tôi lo lắng rất nhiều. Có lẽ thằng bé sẽ không nhận ra tôi hoặc không chấp nhận tôi và có lẽ trong thâm tâm nó đã quên tôi. Tôi rất sợ khi tôi đến ôm con vào lòng, con sẽ không chấp nhận cái ôm của tôi. Tôi sẽ càng thêm đau lòng nếu người con tôi đã tìm kiếm suốt 32 năm không chấp nhận tình cảm và cái ôm của tôi”, bà Lý nói.
Vào ngày đoàn tụ, Gia Gia bước vào Cục Công an Tây An, gọi lớn “mẹ!” rồi chạy đến ôm bà. Bà Lý, chồng cũ và con trai đều khóc. “Cảnh tượng đó giống y hệt cách nó chạy về phía tôi khi còn nhỏ”, bà Lý nói.
Bà sau đó biết được rằng Gia Gia đã bị bán cho một cặp vợ chồng không con ở tỉnh Tứ Xuyên với giá 6.000 NDT (840 USD theo thời giá hiện nay) một năm sau khi bị bắt cóc. Cha mẹ nuôi đặt tên Gia Gia là Cố Ninh Ninh.
Anh sống và lớn lên ở thành phố Thành Đô. Thực tế, Gia Gia từng nhìn thấy bà Lý trên truyền hình vài năm trước và nghĩ rằng bà là người có trái tim nhân hậu. Anh cũng thấy ảnh con trai bà giống mình hồi còn nhỏ. Nhưng anh không nghĩ đến việc đó chính là mình.
Gia Gia tiếp tục sống ở Thành Đô trong khi bà Lý vẫn sống ở Tây An. Nhiều người cho rằng bà nên thuyết phục anh đến Tây An sống với bà. Dù rất muốn vậy, bà Lý không muốn làm cho cuộc sống của con thêm phức tạp.
“Giờ nó đã lớn rồi. Nó có cách suy nghĩ của riêng mình và đã lập gia đình. Vì vậy, tôi chỉ có thể chúc phúc cho con từ xa. Tôi biết con tôi ở đâu, tôi biết nó vẫn còn sống. Thế là đủ!”, bà nói. Họ vẫn liên lạc hàng ngày qua di động.
“Tính cách của thằng bé rất giống tôi. Nó rất quan tâm đến tôi”, bà Lý cho biết. “Sau ngần ấy năm, con vẫn rất yêu thương tôi. Có cảm giác như chúng tôi chưa từng chia ly. Chúng tôi rất thân thiết”.
Gia Gia không muốn trả lời phỏng vấn và cảnh sát không tiết lộ thông tin về cha mẹ nuôi của anh. Người cung cấp manh mối cho bà Lý về tung tích con trai cũng không muốn lộ diện.
Còn về người đã bắt cóc Gia Gia 32 năm trước và cách họ thực hiện, bà Lý hy vọng cảnh sát sẽ làm rõ. Bà muốn thủ phạm bị trừng phạt vì khiến bà đau khổ suốt 32 năm, thay đổi cuộc bà và Gia Gia.
Buôn bán trẻ em ở Trung Quốc rất phổ biến
Ở Trung Quốc, ngành buôn bán trẻ em rất phổ biến và là một vấn nạn chưa có giải pháp, mỗi đứa trẻ có giá khoảng từ 3000 – 4000 USD. Động cơ của những vụ bắt cóc này một phần từ chính sách một con của Trung Quốc, và quan niệm trong nhà phải có con trai. Nhà nước trong nhiều trường hợp không thể và cũng không sẵn lòng chấm dứt tệ nạn này.
Vào năm 2015, ước tính có khoảng 20.000 đứa trẻ bị bắt cóc mỗi năm ở Trung Quốc. Vào năm 2009, Bộ An ninh Công cộng Trung Quốc đã thiết lập một cơ sở dữ liệu để giúp tìm kiếm hơn 6000 đứa trẻ bị mất tích. Và vào tháng 5/2016, bộ trưởng đã ra mắt một hệ thống là “Đoàn tụ”, giúp 4000 đứa trẻ tìm thấy cha mẹ, tính đến tháng 6/2019.
Gia Hưng (t/h)