Những ai đam mê uống trà túi lọc bằng nhựa sẽ cần phải cân nhắc lại. Bởi vì những thử nghiệm gần đây cho thấy, một túi trà làm từ nhựa có thể giải phóng hàng tỷ hạt vi nhựa vào cốc trà của người uống.
Thay vì làm từ giấy thông thường, các túi trà được làm từ nhựa hiện đang nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn thế giới.
Trong một nghiên cứu đột phá của mình, các nhà khoa học từ trường Đại học McGill tại thành phố Montreal, Canada phát hiện ra rằng: Sau khi được ngâm trong 5 phút, một túi trà nhựa có thể giải phóng ra 11 tỷ hạt vi nhựa, và 3 tỷ hạt nhựa có kích thước nano, nhỏ hơn khoảng 750 lần so với một sợi tóc người.
Báo cáo không hề đưa ra bất kỳ những ảnh hưởng tiềm tàng nào của các hạt nhựa này đối với sức khỏe con người, nhưng nó lại cho biết số lượng hạt vi nhựa mà con người có thể sẽ thường xuyên ăn phải, từ các loại thực phẩm và đồ uống phổ biến bao gồm cả trà. Phát hiện của nhóm nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí khoa học Environmental Science and Technology.
Thử nghiệm đánh giá số lượng hạt nhựa có trong một cốc nước nóng
Trong nghiên cứu, kỹ sư hóa học Laura Hernandez cùng các đồng nghiệp của bà đã mua bốn túi trà khác nhau, từ các cửa hàng và quán cà phê tại Montreal. Sau đó, họ cắt từng túi trà, lấy phần trà ra và rửa sạch để loại bỏ vụn vặt vì lá trà có chứa dầu, gây cản trở cho việc phát hiện ra các hạt nhựa dưới kính hiển vi điện tử.
Để mô phỏng quá trình pha trà, nhóm nghiên cứu đã nhúng túi trà vừa rửa sạch vào nước sôi ở 95 độ C trong vòng 5 phút, sau đó thực hiện đánh giá phần nước vừa nhúng túi trà dưới kính hiển vi để tìm các hạt vi nhựa.
Hernandez cho biết, bà và nhóm nghiên cứu dự đoán số lượng các hạt nhựa sẽ dao động trong khoảng hàng trăm hoặc hàng nghìn hạt. Tuy nhiên, kết quả lại cho thấy đã có hàng tỷ hạt nhựa được phát hiện ra từ túi trà.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, thành phần của các hạt nhựa được giải phóng khớp với thành phần có trong các túi trà nhựa trước khi ngâm nước, qua đó xác nhận rằng các túi trà đã bị phân hủy.
Nathali Tufenkji – một tác giả đồng nghiên cứu khác cho biết, nếu so sánh với những loại đồ ăn khác có chứa hạt vi nhựa, thì số lượng hạt vi nhựa có trong một túi trà cao hơn rất nhiều lần.
Ví dụ, mỗi gam muối ăn chứa khoảng 0,005 microgam (mcg) hạt nhựa. Đây đã được nhận định là một mức độ cao. Trong khi đó, tách trà của các nhà nghiên cứu lại chứa tới khoảng 16 mcg hạt nhựa.
Trong thí nghiệm khác, Hernandez và các đồng nghiệp của bà đã cho rận nước tiếp xúc với các cốc nước bị nhiễm hạt nhựa kể trên, để đánh giá những tác động tiềm tàng của việc ăn phải vi nhựa.
Việc ăn phải các hạt nhựa không khiến các con rận nước chết đi, nhưng lại gặp phải một số dị tật nghiêm trọng cùng các hành vi bất thường.
Cụ thể, một số con rận nước không phát triển được lớp vỏ phần trên. Bên cạnh đó, những con rận bình thường có thể bơi được một khoảng cách xa hơn so với những con rận bị nhiễm các hạt vi nhựa.
Hernandez cho biết, mặc dù tìm ra những phát hiện đáng lo ngại này, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng thực nghiệm nào gây hại cho sức khỏe con người có liên quan đến các hạt vi nhựa này.
Tuy nhiên, con người không chỉ bị nhiễm các hạt vi nhựa qua trà, mà còn hấp thụ chúng từ nhiều nguồn thực phẩm khác. Do vậy, nghiên cứu nhấn mạnh rằng các nhà khoa học cần nghiên cứu sâu vào những nguy hại về sức khỏe mà các hạt vi nhựa có thể gây ra.
Giảm thiểu nguy cơ nạp phải hạt vi nhựa
Việc chưa có nhiều thông tin về các rủi ro sức khỏe liên quan đến việc bị nhiễm các hạt vi nhựa, không đồng nghĩa rằng mọi người không cần giảm thiểu việc tiêu thụ các thực phẩm, đồ uống có chứa hạt vi nhựa.
Lisa Lefferts – một nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Khoa học vì lợi ích công cộng tại Washington, D.C cho biết: Để bắt đầu, mọi người nên chọn uống các túi trà làm từ giấy, hoặc uống trà không túi thay vì dùng trà đựng trong các túi nhựa.
Việt Anh (t/h)