Mới đây, người dân vùng Tây Bắc nước Nga đã được chứng kiến một hiện tượng vô cùng đặc biệt và kỳ lạ khi hàng trăm nghìn khối băng tròn đều tới khó tin “mắc cạn” trên bãi biển.
Hàng trăm nghìn khối băng kỳ lạ, có hình cầu với đường kính khoảng 10cm, dạt vào bờ biển thuộc một thị trấn ở phía Bắc thành phố St. Petersburg, vịnh Phần Lan. Nhiều quả cầu có đường kính lên tới 17 cm.
Tin tức và hình ảnh về hiện tượng bí ẩn này đã lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội cũng như báo chí phương Tây. Rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra, nhưng chưa có một phương án lý giải nào thực sự thuyết phục. Thậm chí, có người còn đứng ra tuyên bố đây là… trứng cá voi, dù cá voi không đẻ trứng.
Nhà sinh thái học Ilya Leukhin cho rằng những vụ tràn dầu trong nước có thể tạo ra cầu băng. Trong khi một sô người dùng mạng cho rằng, hiện tượng này có thể được tạo nên khi mưa đá đổ xuống nhưng nước biển quá lạnh dẫn tới việc các khối mưa đá không thể tan nhanh.
Ông Gennady Grakhovsky, nhà nghiên cứu thuộc khoa dự báo khí tượng tại Đại học Khí tượng Thủy văn St. Petersburg, lý giải với kênh truyền hình Channel 5 rằng, hiện tượng cầu băng xảy ra khi nước biển đóng băng kết hợp với sóng biển cường độ mạnh.
“Khi đóng băng, nước biển trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu được gọi là băng mềm, là tập hợp những hạt tuyết nổi trên mặt nước. Nếu biển tĩnh, băng mềm sẽ chuyển hóa thành những tảng băng cứng. Nếu biển có sóng, lớp băng mềm sẽ vỡ vụn và tụ lại thành những tảng băng rời rạc. Nếu sóng biển mạnh hơn, chúng sẽ phá vỡ kết cấu của băng mềm và hình thành nên những quả cầu băng”, ông Grakhovsky cho biết.
Tuy nhiên, các ý kiến trên vẫn chỉ là giả thiết. Hiện tại vẫn chưa có kết luận chính thức của chính quyền địa phương về hiện tượng kỳ lạ này.
Năm 2014, hàng trăm khối cầu băng to bằng quả bóng đá dạt vào bờ hồ Michigan ở Mỹ. Các quả cầu nặng 34 kg, hình thành khi từng mảng băng vỡ ra khỏi thềm băng lớn trên mặt hồ.
Tú Văn (t/h)