Trong những năm gần đây, số lượng người đột tử ở Trung Quốc tăng nhanh chưa từng có. Hầu hết các nạn nhân đột tử là nam thanh niên trẻ, không có tiền sử bệnh tật hay thương tích gây chết người nào.
Không rõ nguyên nhân
Hồ sơ cảnh sát địa phương ghi nhận 893 trường hợp mắc hội chứng đột tử về đêm mà không rõ nguyên nhân (SUNDS) từ tháng 1/2001 đến tháng 10/2013, gấp gần 4 lần so với 231 trường hợp được ghi nhận từ tháng 1/1990 đến tháng 12/1999.
Thực trạng nhức nhối ở thành phố được mệnh danh là “nhà xưởng của thế giới” này bị phơi bày gần đây sau khi các nhà nghiên cứu tại Trường Y Trung Sơn ở TP Quảng Châu công bố bản phân tích hồ sơ pháp y của cảnh sát Đông Hoản trong 2 thập kỷ qua.
Kết quả cho thấy những công nhân nói trên không mắc bệnh hiểm nghèo hay có bất cứ thương tích gây chết người nào. Họ chỉ có chung triệu chứng là khó thở đột ngột khi đang ngủ, sau đó toàn bộ cơ thể tê liệt. Nguyên nhân tử vong chưa thể xác định.
Người đàn ông đột tử ở Trung Quốc (Ảnh: SCMP)
Nghiên cứu dịch tễ học cho thấy hơn 90% nạn nhân là lao động phổ thông, trong đó nam giới chiếm tới 93%. Phần lớn ở độ tuổi từ 21-40. “SUNDS chủ yếu xảy ra ở những công nhân phải lao động cường độ cao. Phần lớn nạn nhân là người nhập cư từ nhiều nơi trên toàn quốc…” – nghiên cứu cho hay.
Báo China Daily dẫn lời Wang Xiaofeng, một công nhân đến từ TP Trung Sơn, thú thật anh không thể kiếm đủ tiền sinh sống nếu không làm việc thêm giờ. Nhiều đồng nghiệp của Wang cũng đồng cảnh ngộ.
Sở Lao động Đông Hoản đến giờ vẫn chưa bình luận gì về báo cáo trên. Thành phố này từng là một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. GDP của Đông Hoản tăng trung bình hằng năm 19,5% từ năm 2003-2006 trước khi bị khủng hoảng tài chính kéo xuống còn 5,3% vào năm 2009.
Lãnh đạo thành phố này kỳ vọng tăng trưởng sẽ đạt 9% trong năm 2014 nhờ đầu tư những dự án công nghệ cao, đồng thời mong mỏi qua đó xóa mờ tai tiếng “thủ đô tình dục của Trung Quốc”.
Triệu chứng đa dạng
Một xưởng sản xuất ở TP Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông (Ảnh: SCMP)
Một bài viết gần đây của tác giả Chao Liu đăng tải trên tạp chí Khoa học Pháp y quốc tế đã liên hệ SUNDS ở miền Nam Trung Quốc với các quốc gia khác. Theo đó, SUNDS được coi là hiện tượng tử vong tự nhiên mang đặc trưng dân tộc và khu vực.
Hội chứng này là rối loạn phổ biến ở Đông Nam Á và có các triệu chứng đa dạng ở các quốc gia khác nhau như Philippines, Thái Lan, Nhật Bản và Trung Quốc. Ở Philippines, số trường hợp mắc SUNDS được ghi nhận ở mức cao, lên tới 43 trường hợp/100.000 người ở độ tuổi từ 20-40. Trong khi đó, cứ 100.000 người ở độ tuổi 20-49 ở Thái Lan thì có 8 người là nạn nhân của SUNDS. Tỉ lệ này ở riêng miền Nam Trung Quốc là 1/100.000. Kể từ lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1917 ở Philippines,SUNDS vẫn là điều bí ẩn đối với cả các chuyên gia pháp y.
Theo PGS Zhang Yiri (Trường Bách khoa TP Quảng Châu), số nạn nhân của SUNDS ở Đông Hoản tăng lên là do hệ thống trả lương bất hợp lý buộc nhiều lao động Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nai lưng làm thêm giờ.
“Nhiều ông chủ trả lương cơ bản cực kỳ thấp nhưng thù lao làm ngoài giờ lại cao hơn đáng kể. Do đó, nhiều công nhân hăng hái tăng ca để kiếm thêm tiền” – ông Zhang nhận định.
1.600 người chết mỗi ngày vì quá sức
Tình trạng làm việc quá sức đã cướp đi sinh mạng của khoảng 600.000 nạn nhân mỗi năm – tức 1.600 người/ngày – ở Trung Quốc, theo Thanh Niên nhật báo. Sự gia tăng những cái chết được gọi là “quá lao tử” này không chỉ ở những người làm việc chân tay mà còn nghiêm trọng hơn ở giới nhân viên văn phòng – vốn được trả lương cao gấp đôi lao động phổ thông nhưng cũng không tránh khỏi nạn làm thêm giờ.
“Trung Quốc vẫn là nền kinh tế đang lên và mọi người vẫn tin vào tinh thần làm việc hết sức. Họ chưa đạt đến sự giàu có để có thể sáng suốt suy xét về giá trị sức lao động như ở Nhật Bản” – hãng tin Bloomberg trích lời ông Jeff Kingston, Giám đốc chương trình Nghiên cứu châu Á tại Trường ĐH Temple ở Tokyo.
Theo Nld, Bloomberg, Chinadaily, NTD