Hơn 25 ha rừng ngập mặn chắn sóng tại xã Kỳ Hà (tỉnh Hà Tĩnh) bất ngờ chết hàng loạt không rõ nguyên nhân, khiến người dân điêu đứng vì mất nguồn thu nhập lớn từ hải sản, lo lắng khi mùa bão lũ tới.
Tại hiện trường, phóng viên báo Dân Việt ghi nhận một khu vực rộng lớn toàn những cành cây khô trơ trụi, không có sự sống tạo nên hình ảnh đáng sợ. Những cành cây khô bị sóng đánh dạt vào mép đê, bờ đất, tấp thành những đống củi lớn, kéo dài hàng chục mét.
Theo người dân địa phương, rừng ngập mặn ở đây được trồng từ hàng chục năm trước, chủ yếu là các loại cây như Mắm, đước, sú vẹt… Đây là tấm lá chắn chống lại gió bão, bảo vệ tuyến đê biển phía trong rừng và cũng là nơi mưu sinh của người dân trong quá trình đánh bắt nguồn lợi thủy sản trú ngụ trong rừng.
Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay nhiều diện tích rừng ngập mặn bị chết bất thường, không rõ nguyên nhân. Cây rừng chết trơ gốc làm cho nguồn lợi thủy sản không còn nơi trú ngụ, bà con địa phương vì thế mà mất đi nguồn thu nhập, không những vậy tuyến đê biển cũng trở nên ‘mong manh’ hơn trong mùa bão lũ.
Chị Nguyễn Thị Thuận (trú tại xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), một trong những người tìm kiếm hải sản dưới lớp bùn của rừng ngập mặn cho biết, ngày xưa rừng mắm xanh tốt lắm, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây không hiểu vì lý do gì mà cây bắt đầu chết dần, đến nay thì cây đã chết gần hết.
“Khi cây cối trong rừng ngập mặn xanh tươi, phát triển tốt trở thành nơi trú ngụ của rất nhiều tôm, cua… nhưng hiện nay rất ít. Rừng ngập mặn này nuôi sống bà con địa phương khi mỗi ngày bắt được 4 – 5kg cua nhưng hiện chỉ bắt được hơn chục con mỗi ngày”, chị Thuận cho biết.
Xác nhận tình trạng trên, ông Nguyễn Hồng Chung – Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà cho biết, từ năm 1991 – 1994, trên địa bàn xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, có khoảng 280 ha rừng ngập mặn để bảo vệ các tuyến đê xung yếu…
Từ đó đến nay các loại cây ở rừng ngập mặn phát triển tốt, tuy nhiên vài tháng trở lại đây cây có hiện tượng trụi lá, chết. Các ban, ngành đã xuống kiểm tra, đánh giá nhưng vẫn chưa rõ nguyên nhân. Hiện bãi triều sông Vịnh có gần 50ha rừng ngập mặn mà phần cây bị chết đã chiếm khoảng 50 – 60%.
Theo báo Tuổi Trẻ, chính quyền địa phương sau đó đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm đào cây ở nhiều vị trí để kiểm tra thì thấy rễ cây bị thối, không có rễ non, không có khả năng phục hồi.
“Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành nhanh chóng tìm ra nguyên nhân cây chết để địa phương có cách bảo vệ rừng ngập mặn, đảm bảo công tác phòng chống bão lụt của xã Kỳ Hà”, ông Chung nói.
Vũ Tuấn (t/h)