Cậu bé 14 tuổi người Hàn Quốc tên là Kim Sung-jin kiếm được khoảng 1.500 USD mỗi tối bằng cách truyền hình trực tiếp cảnh ăn bữa tối lên mạng.
Kim Sung-jin kiếm được tiền nhờ cậu đã tham gia vào một chương trình truyền hình online có tên gọi là Meok Bang, là kênh chuyên dùng phát sóng về ăn uống. Nó là chương trình phổ biến nhất và thường có lợi nhuận nhất trong số 5.000 live show được phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình internet online Afreeca TV.
Cậu bé 14 tuổi này phát sóng trực tiếp bữa ăn của cậu lên Meok Bang. Những người muốn xem cậu ăn và trò chuyện với cậu sẽ phải trả bằng những BJ – một loại tiền ảo có thể đổi ra tiền thật, 1 BJ có giá trị khoảng 10 cent.
Trong khi xem cậu bé ăn, người xem cũng có thể trò chuyện với cậu và những người xem khác thông qua chat voice hoặc gõ ký tự.
Vì có một số lượng lớn người dân Hàn Quốc sống một mình, Meok Bang đã trở thành một cộng đồng giúp những người sống một mình tránh được cảm giác cô đơn khi phải ăn một mình.
Hàng ngàn người đã chăm chú theo dõi hình ảnh cậu bé với vóc dáng dong dỏng này ăn uống vào mỗi buổi tối.
Các món ăn chính của cậu nhóc chủ yếu là pizza, gà rán, đồ ăn Trung Quốc… được bày trên một chiếc bàn nhỏ trong căn hộ của gia đình cậu ở phía Nam Seoul.
Kim Sung-jin vừa ăn vừa trò chuyện online với hàng nghìn người hâm mộ qua mạng.
Nổi tiếng với tên gọi trên mạng là Patoo, cậu là một trong những thành viên nhỏ tuổi nhất trên AfreecaTV. Do cha mẹ cậu phải đi làm xa nhà, cậu sống với ông bà nhưng ông bà cậu lại thường ăn quá sớm nên cậu thường xuyên phải ăn cơm 1 mình. Từ năm 11 tuổi, Kim đã bắt đầu truyền hình trực tiếp các bữa tối của mình với mong muốn ban đầu chỉ là để tìm kiếm một người bạn cùng ngồi ăn với mình.
Thực trạng “sống ảo” ở xã hội Hàn Quốc
Ahn Won-jun, một sinh viên 17 tuổi, cho biết, anh thích ăn tối trong phòng của mình để xem Kim trên Meok Bang, hơn là ăn tối với cha mẹ của mình.
Ở Hàn Quốc, Afreeca TV là chương trình có tới tám triệu thành viên truy cập hàng tháng, nó đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống xã hội của thanh thiếu niên. Khoảng 60% trong 8 triệu người là thanh thiếu niên hoặc ở độ tuổi 20. Điều đó có nghĩa là gần 40% trong 12,5 triệu người Hàn Quốc tuổi từ 10-30 xem chương trình truyền hình trên kênh Afreeca ít nhất một lần một tháng.
Số lượng thành viên tham gia thường xuyên Meok Bang ngày càng tăng đã phản ánh thực trạng ‘sống ảo’ đáng báo động của xã hội Hàn Quốc. Ngày càng có nhiều thanh thiếu niên sống 1 mình, họ cảm thấy cô đơn và nhu cầu được giao tiếp tăng cao. Nhưng đáng buồn thay, nhu cầu giao tiếp đó lại là nhu cầu giao tiếp trên mạng xã hội với những con người “ảo” thay vì giao tiếp trực tiếp thông thường.
Theo nguoiduatin / zing