Đến thời điểm này, toàn vùng ĐBSCL đã có 8 tỉnh phải công bố thiên tai do hạn, mặn ở cấp độ 1 (cấp độ nguy hiểm) gồm có Bến Tre, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long và Trà Vinh.
Cánh đồng lúa của ông Nguyễn Văn Phước ấp Thanh Xuân, xã Hỏa Tiến, TP. Vị Thanh, Hậu Giang, bị thiệt hại hoàn toàn vì nằm ngoài đê bao ngăn mặn.
Cuộc sống của người dân bị đảo lộn vì thiếu nước ngọt trầm trọng, nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Theo dự báo của Bộ NN&PTNT hạn mặn còn kéo dài đến hết tháng 6 nếu không có mưa, diễn biến sẽ rất phức tạp, mặn đã lấn sâu vào nội đồng tới gần 90km.
Những ngày qua các địa phương đã triển khai biện pháp nhằm giảm thiệt hại cho người dân nhưng không mấy tác dụng. Thiên tai đã lấy đi hàng ngàn tỉ đồng và không dừng lại ở con số đó.
“Nước không có, người còn không sống nổi đừng nói là lúa! Nước máy thì mặn chát, bác phải chạy mấy chục km đi mua nước về dùng…. nhìn lúa chết khô ngoài đồng mà rưng rưng nước mắt,…. khổ lắm!”, một người dân chia sẽ
Nằm cặp con sông nước Đục, nước mặn tràn vào khiến lúa của ông Nguyễn Văn Phước “chết cháy”.
Cống ngăn mặn Đại Ngãi (Sóc Trăng) đóng nhiều ngày qua khiến giao thông thủy ách tắc. Ghe lúa của người dân phải trung chuyển qua cống bằng ghe khác để chở đi bán.
Người dân phải trung chuyển lúa qua cửa cống ngăn mặn Bao Biền để vận chuyển bán đi nơi khác.
Anh Phạm Thanh Sơn mòn mỏi ngồi trước cửa cống ngăn mặn Đại Ngãi chờ nước ngọt về để tưới cho vườn cây trái đã khô héo mà vẫn không thấy.
Hàng trăm ha lúa của huyện Long Phú hơn 1 tháng nay không có nước ngọt tưới, thiệt hại hoàn toàn.
Nhiều kênh, rạch của Sóc Trăng đã cạn trơ đáy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.
Sóc Trăng đang cho nạo vét các kênh, rạch hi vọng có nguồn nước ngầm bề mặt để tưới tiêu mà không có.
Ông Võ Văn Thông, ấp 1, thị trấn Ba Tri đang bơm nước ngọt để chở đi các nơi để bán cho người dân. Do khai thác nhiều nên nước ngầm cạn kiệt và chảy nhỏ giọt…
Theo Vntinnhanh