Truyền thông Ấn Độ hôm 3/12 cho biết, hải quân nước này đã xua đuổi một tàu Trung Quốc được cho là tiến hành hoạt động khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Ấn Độ (EEZ) trên Vịnh Bengal gần đây.
Theo kênh truyền hình India Today TV, sự việc xảy ra cách đây vài tuần khi tàu Shi Yan 1 (Thực Nghiệm 1) của Trung Quốc bị trực thăng tuần tra của Hải quân Ấn Độ phát hiện đang tiến hành các hoạt động khảo sát gần cảng Blair, thuộc quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ, mà chưa được sự cho phép.
Ấn Độ đã điều một tàu hải quân bám sát và đề nghị tàu Shi Yan 1 rời đi ngay lập tức. Tàu của Trung Quốc sau đó đã rời khỏi vùng biển Ấn Độ và chuyển hướng về Trung Quốc.
Phản ứng trước động thái của tàu Trung Quốc, chỉ huy hải quân Ấn Độ, đô đốc Karambir Singh nhấn mạnh: “Bất cứ ai hoạt động trong khu vực của chúng tôi, họ phải thông báo trước với chúng tôi”.
Hãng thông tấn ANI của Ấn Độ cho hay, con tàu Shi Yan 1 cũng có thể đã được Trung Quốc sử dụng với mục đích do thám các hoạt động của Ấn Độ trên lãnh thổ đảo phía đông nam Vịnh Bengal. Đây là vị trí Ấn Độ đặt các trạm quan sát để theo dõi sự hiện diện ngày càng tăng của hải quân Trung Quốc trong khu vực
Từ lâu Hải quân Ấn Độ đã luôn cảnh giác cao độ với các tàu Trung Quốc đi vào Vùng Ấn Độ Dương từ eo biển Malacca. Hồi đầu năm 2019, Ấn Độ đã cho mở cửa căn cứ không quân thứ 3 trên quần đảo Andaman và Nicobar nhằm tăng cường năng lực trinh sát hoạt động của hạm đội Trung Quốc trong vùng Ấn Độ Dương.
Mới đây, một máy bay giám sát hàng hải P-8i của Hải quân Ấn Độ cũng phát hiện 7 tàu hải quân Trung Quốc hoạt động quanh Ấn Độ Dương và còn chụp được ảnh chiếc tàu đổ bộ Xian-32 (Tây An) của Trung Quốc triển khai hoạt động ở khu vực này.
Bắc Kinh nói rằng tàu Trung Quốc đi vào Ấn Độ Dương nhằm tuần tra chống hải tặc. Tuy nhiên New Delhi phản bác, khẳng định việc sử dụng các chiến hạm với các tàu ngầm nguyên tử hộ tống để chống hải tặc là chuyện vô lý.
Thiện Thành (t/h)