Trong một nỗ lực nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngày càng lớn cho AI của gã khổng lồ Facebook, mới đây công ty này đã cho xây hàng loạt ngôi nhà để giúp AI học bài nhanh hơn (dự án Habitat).
Công nghệ trí tuệ nhân tạo giờ đây giúp con người rất nhiều điều trong cuộc sống. Bằng việc nạp vào một lượng lớn dữ liệu để AI học bài, những gã khổng lồ công nghệ đã phát triển những cỗ máy AI thông minh một cách vượt trội.
Nhưng không chỉ thu nạp dữ liệu từ cuộc sống thực tế, Facebook còn muốn nhiều hơn thế nữa. Công ty này vừa xây dựng hàng loạt ngôi nhà không dùng để ở, mà chỉ phục vụ duy nhất cho mục đích giúp AI tiếp thu kiến thức.
Dự án Habitat
AI được “dạy” trong hàng trăm tiếng liên tục để biết cách thao tác, di chuyển trong nhà, tránh né nội thất, mở cửa, kéo ngăn kéo bàn,…
Mục đích của dự án này là giúp AI có thể thao tác được trong thời gian thực. Khi chúng được đưa vào sử dụng trong thực tế trong tương lai, chúng sẽ tự phán đoán tình hình và xử lý tình huống một cách chính xác nhất thay vì chỉ nạp vào bộ nhớ của chúng những dữ liệu lý thuyết.
Bằng cách đặt trí tuệ nhân tạo vào những ngôi nhà thật, chúng sẽ cảm nhận được không gian ba chiều. Cách làm này hiệu quả hơn rất nhiều so với việc chỉ nạp vào những bức ảnh hai chiều và “ép” chúng tự suy luận.
Không chỉ làm quen với không gian có chiều sâu, AI cũng học được cách dựng bản đồ cho bất kỳ không gian nào, bởi những căn nhà được tổ chức như thật, gồm nhà bếp, phòng tắm, cửa ra vào, phòng khách, ghế sofa,…
Sau khi trải qua hàng giờ “học tập từ thực tế”, AI đã có thể vẽ được bản đồ vùng không gian mà chúng đang đứng, chúng thậm chí có thể suy đoán ra không gian bị che khuất sau những món đồ nội thất như cách con người suy nghĩ.
Xa hơn nữa, công nghệ trí tuệ nhân tạo của Facebook không chỉ vẽ 3D những hình khối thông thường, mà chúng có thể dán nhãn đồ vật thông qua quan sát. Ví dụ, AI không xác định đó là một cái ghế, mà đó phải là một ghế dài màu xám với những cái gối màu xanh.
Áp dụng trong thực tế
Cách xác định đồ vật này giúp ích rất nhiều cho AI khi chúng được đưa vào sử dụng trong thực tế. Bằng cách biết được chính xác tính chất của đồ vật, AI sẽ đưa ra quyết định mỗi khi cần thực hiện một tác vụ gì đó ở mức độ chính xác cao nhất.
Những ngôi nhà thông minh dành cho người khuyết tật sẽ cần AI có độ hiểu biết từ mức này trở lên. Công nghệ AI sẽ phục vụ chính xác nhu cầu mà chủ ngôi nhà cần, chủ nhân nhà thông minh không cần mô tả quá nhiều mà vẫn có được thứ mình mong muốn.
Mặc dù vậy, Habitat vẫn còn nhiều nhược điểm và cần có nhiều thời gian hơn để tập luyện trước khi thương mại hóa. AI được nạp vào ‘cơ thể’ là một con robot có chân là bánh xe khiến nó khó đi đến hết tất cả mọi ngóc ngách trong nhà. Robot sử dụng máy ảnh chụp độ sâu và phân tích màu qua hệ màu RGB vẫn chưa đạt được độ chính xác cao nhất mà nhóm nghiên cứu mong muốn.
Hơn nữa, bản đồ 3D được dựng bên trong máy tính không hoàn toàn chính xác so với thế giới thực, nghĩa là AI cần tương tác nhiều hơn về mặt vật lý thay vì chỉ dựng bản đồ ảo và phán đoán.
THOR là một dự án tương tự tập trung vào tương tác vật lý nhiều hơn
THOR ngoài giúp máy tính dựng bản đồ không gian, nhóm nghiên cứu còn cho cỗ máy thường xuyên tương tác với vật thể thực để nó tập làm quen.
Dù sao đi nữa, Facebook và những gã khổng lồ công nghệ đang nỗ lực xây dựng công nghệ AI ngày càng tân tiến để hỗ trợ con người ở cuộc sống hiện đại trong tương lai.