Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh bác bỏ ý tưởng về tour du lịch chủ đề “cá và thép” ở nơi vừa xảy ra thảm họa môi trường mà một số nhà khoa học mới nêu ra.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Trần Sáng, Phó giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cho biết, ý tưởng tổ chức “Tour du lịch Formosa” là do tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững (STDe), cùng một số nhà khoa học nghiên cứu, đề xuất. Hội thảo tổ chức hôm 24/9 có mời đại diện của một số tỉnh miền Trung tham dự để tiếp thu ý kiến.
“Thực tế cũng có các mô hình du lịch từ thảm họa, nhưng đó là những thảm họa do thiên nhiên tạo ra”, ông Sáng phân tích. “Tour du lịch Formosa liên quan đến là thảm họa không phải của thiên nhiên, mà nó là do con người tạo ra, do vậy cần cân nhắc kỹ càng”, ông Sáng nói.Ông Sáng nhận xét ý tưởng này không khả thi và không phù hợp với Hà Tĩnh. Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Tĩnh đã phúc đáp với Liên hiệp rằng không nên làm, bởi không thể áp dụng ý tưởng này với một thảm họa do con người tạo ra.
Theo ý tưởng của STDe nêu, tour du lịch Formosa đi qua 4 tỉnh vừa chịu ảnh hưởng trực tiếp về sự cố môi trường biển do Công ty gang thép Hưng nghiệp Formosa gây ra. Nhóm đề xuất xây dựng bốn điểm tham quan dọc bờ biển các tỉnh này, với chủ đề như mối tình cá – thép, huyền thoại nàng cá Gỗ, “thép đã tôi thế đấy”, và cá hóa rồng.
Chẳng hạn, tại Hà Tĩnh, du khách sẽ được chứng kiến “sự chung sống hài hòa qua các hoạt động du lịch trải nghiệm như đua mô-tô cá thép, cà phê cá thép, ngủ trong bụng cá thép, xem các tác phẩm nghệ thuật từ cá thép”.
Ý tưởng tổ chức “Tour du lịch Formosa” cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ công chúng. Đa phần đều cho rằng việc đặt tên các khu du lịch, kết nối cá với thép trong tour mang tính gượng ép, hoặc tên tour du lịch thoạt nghe giống như quảng bá cho Formosa – công ty gây ra thảm họa môi trường.
Trao đổi với báo chí, tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững, cho rằng ý tưởng “Tour du lịch Formosa” là nhằm cứu dân. “Đây là một hướng đi hoàn toàn mới cho việc khai thác tài nguyên biển tại 4 tỉnh miền Trung trong thời gian tới một cách thông minh hơn, sáng tạo hơn, hiệu quả và bền vững hơn so với các phương thức khai thác tài nguyên biển từng có trước đây”, bà nói. Xuất phát từ sự đồng cảm với đồng bào miền Trung khi mất cả du lịch, cả cá nên nhóm đã nghĩ ra hướng đi khác để giúp người dân có cơ hội công ăn, việc làm, nguồn thu từ du lịch.
Trước đó, STDe từng làm một số tour du lịch tương tự. Sau trận bão lớn ở Thừa Thiên – Huế, nhóm đã đưa ra một tour du lịch nhằm để người dân những vùng không chịu ảnh hưởng của thiên tai hiểu sức mạnh, sự tàn phá của nước lũ, hoặc sự khắc nghiệt của nắng nóng.
Theo Vnexpress