Ngày 16/7, Phó chủ tịch Hà Tĩnh Dương Tất Thắng nói, tỉnh ghi nhận có nhiều điểm đổ trộm chất thải nghi là rác thải của Formosa, đang cho xác minh đây là nguồn thải gì.
Thưa Phó chủ tịch, mẫu chất thải lấy từ trang trại phường Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh) để kiểm nghiệm kết quả đến đâu rồi, cơ quan chức năng xác định có bao nhiêu tấn rác thải chôn lấp trái phép ở đây?
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên & Môi trường đã có kết quả mẫu phân tích ban đầu. Thông tin tôi nhận được thì 13/15 chỉ tiêu nằm trong ngưỡng an toàn. Quan điểm của tỉnh vừa họp thì chờ kết quả của Bộ sẽ trả lời đầy đủ và tốt hơn.
Theo như biên bản của tỉnh làm việc với Formosa về việc hợp tác thực hiện nội dung hợp đồng của họ với Công ty Môi trường – Đô thị Kỳ Anh về vận chuyển chất thải là hơn 200 tấn. Hiện, khối lượng tại khu vực đổ thải chôn lấp trái phép tại trang trại ở phường Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh) chỉ mới phát hiện hơn 100 tấn. Có thể số chất thải còn lại đang được chôn lấp ở nơi khác nên cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra.
145,4 tấn chất thải nguy hại của Công ty Phú Hà ký với Formosa đang ở đâu và việc tìm kiếm các chất thải của Formosa chôn lấp trái phép trên địa bàn trong thời gian tới được thực hiện như thế nào?
Theo báo cáo của Công ty Phú Hà thì họ khẳng định là 145,4 tấn chất thải nguy hại ký với Formosa đã chuyển ra khỏi địa bàn Hà Tĩnh.
Qua công tác kiểm tra ban đầu, chúng tôi đang nghi ngờ về việc này và vừa rồi đã chỉ đạo Sở Tài nguyên & Môi trường và các đơn vị liên quan đặc biệt là Cảnh sát môi trường kiểm tra có đúng hay không để báo cáo với UBND tỉnh.
Tỉnh cũng đã thành lập tổ công tác đặc biệt trên cơ sở chỉ đạo một phó chủ tịch trong công tác giám sát, kiểm tra các đơn vị liên quan kể cả các đơn vị rác thải và nguồn thải; Chỉ đạo kiểm tra toàn diện các khu vực xung quanh, nắm các thông tin của người dân, báo chí về quá trình hoạt động của Formosa và quá trình xây dựng khu kinh tế Vũng Áng.
Tỉnh tiếp tục chỉ đạo mạnh công tác này để phát hiện ra những điểm xả thải để lấy mẫu phân tích đồng thời có sự chỉ đạo và thông tin đầy đủ để người dân an tâm.
Tỉnh có nắm rõ bao nhiêu bãi rác đổ chất thải của Formosa và đã cảnh báo gì tới người dân sinh sống ở nơi này?
Chúng tôi nhận được thông tin có khoảng gần 10 điểm đổ trộm chất thải nghi là rác thải của Formosa. Tỉnh đang cho lấy mẫu phân tích để xác định các nguồn rác này xuất phát từ rác thải sinh hoạt, nguồn thải xây dựng hay nguồn thải do quá trình xả thải của các khu công nghiệp.
Những điểm nghi ngờ có chất thải của Formosa, tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên & Môi trường, chính quyền địa phương kiểm tra, lấy mẫu. Sau khi có kết quả thì sẽ thông báo đầy đủ và hướng xử lý cho nhân dân trên địa bàn. Giả sử nó thuộc chất thải thông thường được chôn lấp tại bãi rác không được cấp phép thì cách thức xử lý thu gom. Nếu nó thuộc những bãi rác được phép xử lý hay tập kết, nếu không phải là chất thải nguy hại sẽ chôn lấp và xử lý theo đúng quy trình.
Hiện, Formosa chối bỏ trách nhiệm trong việc chôn lấp chất thải ở trang trại ở phường Kỳ Trinh, quan điểm của UBND tỉnh về vấn đề này như thế nào?
Chúng tôi khẳng định nhất quán trong chỉ đạo điều hành chung của tỉnh. Các đơn vị liên đới trong sự việc này đều phải chịu trách nhiệm. Còn việc họ phát ngôn hay trao đổi bên ngoài thì chúng tôi đã nhận đầy đủ các thông tin của họ. Trách nhiệm của cơ quan chính quyền là phải làm rõ các đơn vị liên quan đến đâu, như thế nào để có mức xử lý đùng pháp luật.
Hướng tìm kiếm các đơn vị vận chuyển các chất thải của Formosa ra sao thưa ông?
Chúng tôi đã chỉ đạo trực tiếp Sở Tài nguyên & Môi trường, đặc biệt là thị xã Kỳ Anh phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành rà soát tổng thể, tiếp nhận thông tin từ báo chí, quần chúng nhân dân để phát hiện thêm.
Chúng tôi nghĩ không chỉ riêng Công ty Môi trường – Đô thị Kỳ Anh mà có thể các đơn vị khác cũng hợp đồng với Formosa về vấn đề vận chuyển xử lý rác thải của công ty này. Chúng tôi cũng đã yêu cầu Formosa cung cấp danh sách các nhà thầu phụ để làm việc với các đơn vị này xem xét họ đã vận chuyển như thế nào, chất thải gì, ở đâu. Hiện chúng tôi mới chỉ xác định được 2 đơn vị hợp đồng chở chất thải với Formosa.
Ông có thể cho biết, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, có mấy đơn vị được cấp phép xử lý chất thải?
Trên địa bàn có một vài ba đơn vị có điều kiện liên quan đến xử lý chất thải kể cả chất thải rắn và chất thải nguy hại. Tuy nhiên, để đám ứng được việc xử lý cho hiện tại và tương lai là một vấn rất lớn.
Ngoài các doanh nghiệp xử lý môi trường hiện tại, tỉnh cũng đang cố gắng kêu gọi thêm một vài doanh nghiệp khác quan tâm đến vấn đề đầu tư trong lĩnh vực xử lý môi trường trên địa bàn thị xã Kỳ Anh và cái này là quan trọng nhất. Một vài đơn vị hiện nay không đủ năng lực, điều kiện xử lý được hết nguồn thải hiện tại cũng như kế hoạch phát triển của các nhà đầu tư trong tương lai sắp tới đây.
Để xảy ra sự việc trên, lãnh đạo UBND tỉnh nhìn nhận thế nào về trách nhiệm của mình?
Để xảy ra sự việc này thực sự xuất phát từ sự yếu kém trong công tác quản lý cũng như trách nhiệm giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.
Với tư cách là lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách trực tiếp trên địa bàn, chúng tôi nhận trách nhiệm đầu tiên liên quan đến sự cố môi trường vừa rồi. Một vài sự chồng chéo chưa hiểu rõ liên quan đến việc quản lý của Sở Tài nguyên & Môi trường và các cơ quan trung ương, rồi của Ban quản lý kinh tế, chính quyền thị xã Kỳ Anh cũng như các đơn vị dịch vụ trên địa bàn. Chúng tôi yêu cầu UBND tỉnh có sự kiểm điểm nghiêm túc về sự việc này và có báo cáo thường trực tỉnh ủy.
Bài học được rút ra sau sự cố thảm họa môi trường là gì?
Sau sự cố môi trường là bài học rất lớn về vấn đề thu hút đầu tư cũng như quản lý các dự án đầu tư. Việc trả giá là không thể tính được liên quan đến mât mát về môi trường môi sinh, dư chấn về tâm lý của người dân về mặt tinh thần và vật chất.
Sau bài học này, thông điệp của Chính phủ là không có khái niệm thu hút đầu tư, không đánh đổi sự phát triển làm ảnh hưởng đến môi trường.
Theo Zing