Một báo cáo mới được đệ trình lên Liên Hợp Quốc cho biết: Tra tấn thường được công an Trung Quốc sử dụng để buộc một người thú tội trên truyền hình.
Vào ngày 11/8, tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders và một số tổ chức phi chính phủ khác, đã đệ trình cho 9 Điều Tra Chuyên Đề của Liên Hợp Quốc một bản đánh giá toàn diện, về những lời thú tội cưỡng bức trên truyền hình trước khi xét xử ở Trung Quốc.
Chiêu thức quen dùng của ĐCSTQ
“[Thú tội trên truyền hình] có liên quan một cách hệ thống đến các hành vi lạm dụng khác như tra tấn, đe dọa, cưỡng bức dùng thuốc, giam giữ tùy tiện và biệt giam kéo dài trong giai đoạn điều tra”, một phần của báo cáo dài 11 trang cho biết.
“Thú tội cưỡng bức nhắm vào một bộ phận người dân cụ thể – những người được xác định là kẻ thù hoặc những người chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ),” báo cáo cho biết.
Việc thú tội trên truyền hình đã trở nên phổ biến, và thực sự bình thường ở Trung Quốc. Các đối tượng tình nghi thường sẽ bị ép buộc bằng những lời hứa, lời nói dối hoặc đe dọa để thú tội trên truyền hình.
“Việc sử dụng tra tấn để ép thú tội ở Trung Quốc là điều đã được các tổ chức nhân quyền, học giả cung cấp bằng chứng đầy đủ và thậm chí được thừa nhận bởi chính quyền Trung Quốc”, báo cáo nêu rõ.
Báo cáo tiếp tục cho biết rằng, tra tấn đặc biệt phổ biến ở những nơi được mô tả là “Giám sát dân cư tại các địa điểm được chỉ định” (RSDL) – nơi giam giữ tất cả các nạn nhân thú tội trên truyền hình.
“Điều kiện giam giữ khắc nghiệt đến mức, các cơ sở RSDL phải ngăn ngừa việc tự sát bằng cách loại bỏ tất cả các vật sắc nhọn, và phải đệm lót lên các bề mặt cứng”.
“Những người bị giam cầm được giữ trong những điều kiện tạo ra căng thẳng, và cảm giác sợ hãi vô cùng. Họ thường xuyên bị thiếu ngủ. Đèn được bật 24 giờ một ngày, và các nghi phạm bị thẩm vấn trong nhiều giờ. Những ai bị giam giữ trong RSDL cũng bị biệt giam ”.
Hình thức tra tấn ác độc
Báo cáo đã đưa ra những trải nghiệm trước khi xét xử của một số nạn nhân bị giam giữ tại RSDL. Một trong số họ là Zhai Yanmin (Địch Nham Dân) – người đã bị giam giữ vào ngày 15/6/2015, liên quan đến “Cuộc đàn áp 709” đối với các luật sư nhân quyền ở Trung Quốc.
Báo cáo cho biết: “Cảnh sát còng tay anh ấy ra sau lưng, khóa anh ấy vào lan can sắt, dùng 5 hoặc 6 chiếc dùi cui điện để đánh anh, và cấm ngủ trong nhiều ngày trước khi tra khảo dã man anh ấy”.
“Trong những ngày đầu bị giam giữ, không lúc nào anh có thể ngủ quá 30 phút. Cảnh sát bỏ đói, và thậm chí không cho anh ta uống nước hoặc đi vệ sinh trong thời gian dài”.
Luật sư nhân quyền nổi tiếng khác của Trung Quốc – Vương Vũ bị buộc tội kích động lật đổ chính quyền, đã bị giam suốt nhiều giờ liên tục trong hình vuông 40 × 40 cm được sơn trên sàn phòng giam của cô.
Nhà hoạt động nhân quyền và trợ lý hành chính của Công ty Luật Phong Duệ Bắc Kinh – Lưu Tứ Tân đã bị đặt trên một thiết bị tra tấn “ghế treo” suốt cả ngày. “Ngoài ra, cảnh sát bắt đầu sử dụng đến phương thức bỏ đói và không cho anh uống nước”, báo cáo cho biết. “Trong một số trường hợp, cai ngục không cho anh ăn thức ăn đã được đem tới. Lưu chỉ được nhìn từ xa”.
Báo cáo cũng nêu lên quá trình bị giam giữ của cựu nhân viên lãnh sự Anh Simon Cheng – người đã bị còng tay và thẩm vấn trong một trại giam ở Trung Quốc.
“Cảnh sát mật buộc anh mở iPhone của mình bằng cách túm tóc, và cưỡng bức anh ấy thực hiện mục nhận dạng khuôn mặt. Họ yêu cầu nhân viên trại giam khóa anh ấy bằng còng tay trên thanh chắn gắn với một chiếc ghế hổ”, báo cáo cho biết.
“Khi cảnh sát đưa Cheng ra khỏi trại tạm giam để thẩm vấn, anh ấy bị còng tay, cùm chân, bịt mắt, trùm đầu, và gần như không thở được. Rất nhiều lần, biện pháp cấm ngủ trong thời gian dài được sử dụng để hành hạ anh”.
Hình ảnh video thú tội cưỡng bức của Cheng hiện vẫn đang được đăng tải trên kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc – CGTN.
Tháng 7, CGTN đã bị phát hiện vi phạm các quy định phát sóng của Anh, vì đã phát sóng lời thú tội cưỡng bức của điều tra viên Peter Humphrey – người đã bị chính quyền Trung Quốc giam giữ vì phát ngôn của mình, trong khi đó là những cáo buộc sai trái chưa từng được chứng minh trước tòa.
“Khoảng gần 100 cá nhân bị bắt giữ, sau đó đã bị buộc phải thú tội trên truyền hình nhà nước Trung Quốc và các phương tiện truyền thông thân Bắc Kinh, điều này luôn luôn xảy ra trước khi có bất kỳ phiên tòa nào, và nhiều khi là ngay cả trước khi bị cáo buộc”, Báo cáo nhấn mạnh.
Việt Anh (Theo VT)