Tinh Hoa

Hà Nội trồng phượng ở dải phân cách: Có một số hạn chế cần cân nhắc

Hà Nội vừa trồng mới được hơn 300 cây phượng ở dải phân cách giữa nhiều tuyến phố nhằm phủ xanh thành phố, tuy nhiên việc làm này được Giáo sư Lê Huy Cường đánh giá là có một số hạn chế cần cân nhắc.

Phân tích đặc tính sinh học cho thấy hoa phượng thích hợp trong đô thị và Hà Nội đã tiến hành trồng nhiều loại cây này tại dải phân cách tuyến đường vành đai 1. Cây phượng tái sinh hạt và chồi đều mạnh, có thể phát triển tốt trên mọi loại địa hình. Cây thuộc loại ưa sáng, mọc khoẻ, phát triển nhanh, không kén đất, rất dễ gây trồng.
Các loại cây phượng, bằng lăng, muồng hoàng yến được đưa vào danh mục “Cây có hoa đẹp” và khuyến khích trồng trong đô thị, công viên, vườn hoa và đường phố. Mỗi tuyến phố trồng một loại cây để tạo đặc trưng riêng.
Hà Nội hiện đã trồng được khoảng hơn 300 cây phượng có đường kính khoảng 20 cm ở dải phân cách giữa các tuyến phố như Kim Liên – Xã Đàn, Hoàng Cầu, Đại Cổ Việt – Trần Khát Chân, Giải Phóng… 
Việc làm này nằm trong chương trình trồng 1 triệu cây xanh của Thủ đô Hà Nội đến năm 2020.
Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội: “Chọn cây phượng có đường kính lớn để trồng trên dải phân cách giữa của nhiều tuyến phố thì thời gian phủ xanh đô thị sẽ nhanh hơn. Trồng tuân thủ đúng kỹ thuật sẽ không sợ nấm mốc xâm nhập. Việc trồng ở dải phân cách giữa có nhiều ưu điểm như ít công trình ngầm, cây hoàn toàn có thể phát triển bình thường”.
Tuy nhiên, Giáo sư Lê Huy Cường, Hội Lâm Nghiệp Việt Nam, việc trồng phượng ở Hà Nội không nhiều cũng có nhiều lý do. Phượng là cây tán thấp, lá nhỏ, diện tích bóng mát không nhiều, mùa đông rụng lá. Khi cây rụng lá, không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng đến hệ thống tiêu thoát nước, vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Hơn nữa, việc trồng phượng ở dải phân cách giữa cũng bộc lộ một số hạn chế. Đó là, bộ rễ của phượng lớn, trong khi dải phân cách tại một số địa điểm lại nhỏ, có thể một thời gian sau, rễ phượng “cày bung” bờ bó vỉa của dải phân cách.
Ngoài ra, phượng là loại cành nhỏ dễ gẫy vào mùa mưa bão nếu không được cắt tỉa kịp thời. Cũng phải nhìn nhận, với những loại cây rụng nhiều lá khi mùa đông cũng dẫn đến tốn thời gian, công sức và cả chi phí để dọn vệ sinh môi trường. Với mục tiêu tăng cường chất lượng môi trường của thành phố, Hà Nội đã phát động chương trình “Một triệu cây xanh” trồng mới đến năm 2020. Dự kiến cây xanh được trồng mới, bổ sung, thay thế tại 7 khu vực.
Giải pháp trồng cây bonsai tầm trung cao khoảng 4-8m từ những loài cây đường phố hiện nay như nhội, muồng, phượng, me, sanh, đa, đề, lộc vừng… tại những khu vực hạn chế không gian ngầm cũng được thực hiện. Đây là giải pháp mới, đang được nghiên cứu, thử nghiệm, tiến đến nhân rộng.
Bàng lá nhỏ (Bàng Đài Loan), cây Sang và cây Dầu rái được trồng trên các tuyến phố Tây Sơn, Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng. Toàn bộ các cây kể trên đều có đặc tính tạo bóng mát, cảnh quan đẹp, mà vẫn bảo đảm an toàn giao thông cho người đi đường.

Theo VNExpress